TRẢI NGHIỆM ĐAU BUỒN (PHẦN HAI)

landscape, sad, people-4209944.jpg

Quá trình đau buồn

Nhìn chung, chúng ta trải qua từng giai đoạn sau, theo tốc độ của riêng mình. 

Né tránh: Khi cần thiết, hãy bảo vệ bản thân khỏi hiện thực tàn nhẫn đến từ sự mất mát. Nhất là khi mới tiếp nhận chuyện đó, chúng ta thường cố gạt bỏ cái chết ra khỏi tâm trí và không thể đối diện với sự mất mát của mình.

 Đối diện:

· Nhận biết đây là một sự mất mát và người thân yêu của chúng ta sẽ không bao giờ được thay thế.

· Cảm nhận nỗi đau và ghi nhớ nó.

· Nhớ rằng tình yêu thương không mất đi, dẫu người đó đã ra đi.

Thích nghi: Hãy tìm cách để tái kết nối với thế giới và tìm kiếm sự can đảm để một lần nữa đón nhận yêu thương. Mỗi ngày, hãy cố gắng sống thật hết mình.

Sự đau buồn mang tính phức tạp

Không có mối quan hệ nào là hoàn hảo. Kể cả khi chúng ta dành cho người đã khuất sự tôn trọng ở mức cao nhất, thì đâu đó vẫn còn những mâu thuẫn chưa được giải quyết trong mối quan hệ của cả hai. Điều này có thể vẫn còn đè nặng trong tâm trí chúng ta sau khi người đó qua đời. Cảm giác chưa hoàn thành điều gì đó với người thân yêu của mình có thể khiến hành trình đau buồn này bị kéo dài hoặc trở nên phức tạp hơn. Hoàn tất những việc còn dở dang có thể là một cách để giải quyết đau buồn. Bên cạnh đó, nếu như trước khi trải qua sự mất mát này, chúng ta đã phải chật vật với trầm cảm, lo âu hay một căn bệnh tâm lý nào đó, thì sự đau buồn có thể trở nên phức tạp hơn. Một giải pháp lành mạnh để vượt qua chuyện này đó là trò chuyện riêng với một nhà tham vấn. Các nhà tham vấn là người có thể giúp chúng ta sắp xếp lại những cảm xúc phức tạp hoặc tìm cách giải quyết nó.

Hành trang cần thiết cho hành trình này

Sự hỗ trợ

Đôi khi, một chuyến đi chơi xa có thể rất hữu ích để giúp chúng ta thư giãn đầu óc. Hãy dành thời gian để thoát ra khỏi những lịch trình thường nhật để xem khi không còn người thân yêu đó bên cạnh, đâu là những điều vẫn có thể tiếp tục và đâu là điều không còn phù hợp trong đời sống của bạn nữa. Hãy tìm hiểu tất cả mọi thứ về đau buồn, trong khả năng của bạn. Những người trải qua đau buồn nói rằng điều tồi tệ nhất trong sự đau buồn, không phải là nỗi đau, mà là không hiểu được bản chất của điều họ đang phải đối diện. Chúng ta càng hiểu hơn về hành trình này, chúng ta sẽ càng đỡ cảm thấy bị choáng ngợp.

Quan sát

Cảm xúc chỉ là một phần của chúng ta và không thể nói lên cả con người của chúng ta. Khi trải qua những cung bậc thăng trầm của sự đau buồn, có một phần trong chúng ta sẽ quan sát lại tất cả. Một phần trong chúng ta chứng kiến được những cảm xúc mà mình đã trải qua trong những thăng trầm đó. Chúng ta càng tập trở thành “người quan sát” – luyện tập cho phần tách biệt và thông suốt bên trong chúng ta – thì chúng ta càng có thể chăm sóc cho bản thân tốt hơn khi phản ứng với nỗi đau. Cảm xúc đến rồi đi, nhưng “người quan sát” vẫn luôn ở đó. Việc dạy “người quan sát” ấy cách xoa dịu, mà không phán xét, phần cảm xúc bên trong chúng ta có thể giúp chúng ta vượt qua những ngày tồi tệ trong suốt cuộc hành trình này.

Hy vọng

Tin vui là nỗi đau trong sự đau buồn sẽ không kéo dài mãi. Nhưng tin buồn là chúng ta không bao giờ biết được rằng liệu nó sẽ kéo dài bao lâu. Nỗi đau có thể ở với chúng ta đâu đó từ vài tuần đến vài năm. Việc giữ được tinh thần đầy hy vọng sẽ giúp chúng ta có thể tận dụng được giai đoạn thay đổi này, bất kể là nó kéo dài bao lâu. Việc nhớ rằng khoảng thời gian này không phải là vô nghĩa cũng có thể giúp ích cho chúng ta. Rất nhiều người nhìn lại nỗi đau và xem nó như một khoảng thời gian quý báu trong cuộc đời họ. Họ đã phải tin vào một tương lai tươi sáng hơn mà khi đó, họ vẫn chưa nhìn thấy được.

Những điều nên và không nên làm trong hành trình đau buồn

Không nên: Bán nhà, chuyển nhà hay đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào trong năm đầu tiên

Nên: Cân nhắc các lựa chọn, lập kế hoạch và tìm kiếm lời khuyên.

Không nên: Vứt bỏ tất cả đồ dùng cá nhân của người đó ngay lập tức và cho rằng việc đó sẽ giúp bạn vượt qua sự mất mát.

Nên: Đợi ít nhất vài tháng hoặc cho đến khi bạn có thể đối diện với các món đồ đó. Có những thứ sẽ dần trở thành nguồn an ủi cho bạn.

Không nên: Tránh nói về người thân yêu của bạn.

Nên: Chia sẻ những kỉ niệm của bạn với người sẵn lòng lắng nghe.

Không nên: Ngần ngại thừa nhận rằng bạn đã có một ngày tồi tệ.

Nên: Tìm kiếm sự hỗ trợ và đón nhận sự giúp đỡ từ gia đình và bạn bè.

Không nên: Để người khác nói bạn nên đau buồn trong bao lâu hoặc đau buồn theo cách nào.

Nên: Lắng nghe niềm tin và sự khôn ngoan bên trong bạn. Khi cần, hãy nhắc người khác về việc bạn đang làm.

Không nên: Nghĩ rằng bạn sẽ không bao giờ có thể vui sống hay yêu thương nữa.

Nên: Nhớ đến những thứ, những con người, hay những hoạt động bạn yêu thích và dành thời gian cho những điều đó.

Nguồn: Upsplash- “Tôi, tôi sẽ làm những điều này cách lặng lẽ… Bạn, bạn chẳng hề bước một mình, cô đơn.” Howard Thurman

Tôi biết rằng, tôi chẳng hiểu được những điều bạn đang trải qua

Hay cùng mang lấy những oằn gánh thương đau bạn phải chịu

Tôi chỉ có thể, cho bạn tình thương luôn rộng mở.

Cùng sức mạnh của lòng quan tâm.

Thêm hơi ấm của người luôn tìm cách thấu cảm

Những cằn cỗi thinh lặng của cơn bão mất mát vừa quét qua

Tôi, tôi sẽ làm những điều này cách lặng lẽ,

Để bạn biết rằng trong hành trình đơn độc,

Bạn, bạn chẳng hề bước một mình, cô đơn.

Bạn có thể tải toàn bộ Cẩm Nang Mất Mát này tại đây.

Nguồn: Interim HealthCare

Người dịch: Thanh Tuyền, Tú Anh