“Đau buồn giống như một vết thương… nó cần được lành từ trong ra ngoài. Nỗi đau bắt đầu phai đi và rồi để lại một vết sẹo… Cảm giác mỗi khi chạm vào vết sẹo đó rất khác so với khi chạm vào những phần còn lại của cơ thể. Đau buồn là như thế đấy.”
Trích My Friend, I Care của tác giả Barbara Kames.
Định nghĩa đau buồn
Đau buồn là phản ứng tự nhiên và bình thường khi mất đi một người thân yêu. Đó là quá trình bạn học cách để sống tiếp khi không còn sự hiện diện của người mình yêu thương. Đó cũng là một cuộc hành trình đầy đau đớn, nhưng rồi cuối cùng, bạn sẽ được chữa lành.
Nỗi đau bắt đầu xuất hiện sau tang lễ
Mặc dù tang lễ chính là khoảng thời gian và không gian phù hợp để đau buồn, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà nhiều người trong chúng ta không làm điều đó. Trước những thay đổi to lớn đến từ sự ra đi của ai đó, việc chúng ta cảm thấy quá choáng ngợp để có thể nhìn nhận cảm xúc của mình là điều hết sức bình thường. Chúng ta thường quá bận rộn với việc chào hỏi những người đến viếng thăm và các công việc khác trong tang lễ, đến nỗi tang lễ dường như chỉ là một sự kiện trôi đi rất nhanh.
Những tuần sau đó cũng bận rộn không kém. Sau tang lễ, còn cả một danh sách các công việc quan trọng cần làm, liên quan đến việc hoàn tất các công tác còn lại của người đã khuất. Có thể sẽ có một bản di chúc trình bày các việc liên quan đến pháp lý nữa. Ngoài ra, bạn còn phải tiếp đón họ hàng, bạn bè – những người đã gọi điện, thăm hỏi, mang đồ ăn cho bạn hoặc có mong muốn giúp đỡ bạn. Có hàng tá công việc và một mớ hỗn độn cần bạn phải giải quyết. Sâu thẳm bên trong, có thể chúng ta đang ở trạng thái sốc hoặc tê liệt phản vệ. Tê liệt phản vệ là trạng thái tạm thời phân ly khỏi cảm xúc, nó như một nguồn năng lượng vô hình giúp chúng ta hoàn thành mọi thứ trong giai đoạn đó.
Tác động của đau buồn
Tức giận – Tại sao chúng ta tức giận? Vì chúng ta bị bỏ lại và buộc phải thay đổi cuộc sống của mình. Vậy thì chúng ta đang giận ai? Có thể là giận người đã khuất, Thượng đế, chính chúng ta, hoặc bất cứ ai bên cạnh chúng ta.
Cô đơn – Cảm giác cô đơn vì thiếu đi sự đồng hành của người đó, và cả vị trí của họ trong cuộc sống của chúng ta. Người chồng có thể nhớ những bữa ăn tại nhà, người vợ có thể nhớ sự thấu hiểu và cảm thông đặc biệt của chồng dành cho mình. Con cái, kể cả những người con đã trưởng thành, có thể cũng tự hỏi rằng mình sẽ tìm đâu được sự hỗ trợ vô điều kiện như trước. Chúng ta đều sẽ nhớ một điều gì đó mà người đã khuất từng làm cho mình khi họ còn sống.
Tội lỗi – Liệu chúng ta có thể làm gì để ngăn cản sự ra đi của người đó không? Đôi khi chúng ta nghĩ rằng “giá như” mình đã làm gì đó khác đi, thì bây giờ có thể người kia vẫn sẽ còn sống. Nếu tôi là một người vợ/người chồng (người con, người anh em, người bạn, v.v.) tốt hơn, thì tôi sẽ không để họ hút thuốc, bảo vệ họ khỏi những mối nguy hiểm, lắng nghe họ nhiều hơn, v.v… Danh sách ấy có thể sẽ rất dài. Có lẽ chúng ta từng nghĩ rằng mình sẽ chết trước họ. Vậy nên chúng ta cảm thấy tội lỗi khi họ đã ra đi, còn chúng ta thì ở lại và tiếp tục sống.
Sợ hãi và Lo lắng – Sự đau buồn khiến chúng ta nhận ra rằng chúng ta dường như chỉ có thể kiểm soát được một phần rất nhỏ trong cuộc sống của mình. Khi một người thân yêu qua đời, chúng ta lại được nhắc nhở rằng một ngày nào đó, chúng ta rồi cũng sẽ từ giã cõi đời này. Ngay cả khi không sợ cái chết, chúng ta vẫn không khỏi lo lắng làm sao để mình có thể sống tiếp khi không còn người đó bên cạnh. Có thể vì họ đã từng cho chúng ta sự đảm bảo về mặt tài chính, tình cảm hay bảo vệ chúng ta khỏi những mối nguy hiểm. Cũng có thể vì họ chính là người khiến cuộc sống của chúng ta trở nên có ý nghĩa. Tương lai có thể trông thật đáng sợ, ngay cả khi chúng ta không muốn thừa nhận điều đó.
Nhẹ nhõm – Có thể bạn đã chăm sóc cho người thân của mình trong một thời gian dài và chứng kiến họ ở trong những tình huống tồi tệ nhất. Khi biết rằng họ không còn phải chịu đau đớn nữa, chúng ta có thể dần cảm thấy yên lòng.
Phản ứng với đau buồn
Các phản ứng thể chất
- Có những cơn đau hoặc căn bệnh giống người đã khuất
- Phát ban hoặc nổi mẩn trên da
Hầu như tất cả những ai đang đau buồn đều cảm thấy thiếu năng lượng vào một vài thời điểm nào đó. Cảm giác kiệt sức này một phần là do những thay đổi trong giấc ngủ của chúng ta, có thể là do ngủ quá ít hoặc quá nhiều. Cơ thể không hoạt động bình thường có thể khiến chúng ta bị căng thẳng. Tình trạng sức khỏe suy yếu cũng có thể khiến chúng ta không còn nhận ra chính mình nữa. Nếu một phần nào đó trên cơ thể bạn hay bị bộc phát khi gặp căng thẳng, thì sự đau buồn có thể gây ảnh hưởng xấu đến chính phần cơ thể đó và làm xuất hiện lại những triệu chứng bạn từng gặp phải. Cảm giác bất lực và lo lắng về sức khỏe của chúng ta là hết sức bình thường.
Hãy giữ liên lạc với bác sĩ vì có thể bạn sẽ gặp phải một số vấn đề cần được chữa trị. Chúng ta biết vấn đề sức khỏe của mình có liên quan đến sự đau buồn nếu như vấn đề đó dần biết mất khi chúng ta tiến hành giải quyết sự đau buồn của mình. Tuy nhiên, đôi khi việc chăm sóc y tế vẫn là cần thiết.
Khi đau buồn, tâm trí của chúng ta ở trong quá trình điều chỉnh nhận thức để thích ứng với những thay đổi do sự mất mát gây ra. Những nhận định của chúng ta về thế giới xung quanh cần được thay đổi, có thể là phải thay đổi hoàn toàn, vì thiếu đi sự hiện diện của người thân yêu của mình. Những điều chỉnh này có thể làm gián đoạn cuộc sống thường nhật của chúng ta. Chúng ta có thể bị mất trí nhớ tạm thời, hay quên, mất tập trung hoặc rối loạn tinh thần. Chúng ta có thể hay gặp ác mộng vào ban đêm, và ban ngày thì phải tranh đấu với những ký ức dai dẳng về người đã ra đi. Toàn bộ hệ thống niềm tin của chúng ta về cách thế giới vận hành có thể bị lung lay, đặc biệt là khi cái chết chẳng có nghĩa gì với chúng ta.
Trong khoảng thời gian đau buồn ấy, ngay cả những người có đức tin vững chắc cũng sẽ có lúc nghi ngờ về đức tin của chính mình.
Còn tiếp…
Nguồn: Interim HealthCare
Người dịch: Thanh Tuyền, Tú Anh