Tâm thần phân liệt được điều trị như thế nào?
Mục tiêu của việc điều trị tâm thần phân liệt là làm dịu các triệu chứng và giảm khả năng tái phát của các triệu chứng đó. Việc điều trị tâm thần phân liệt có thể bao gồm:
Thuốc: Các loại thuốc chính để điều trị tâm thần phân liệt được gọi là thuốc chống loạn thần. Tuy không chữa khỏi hoàn toàn bệnh tâm thần phân liệt, nhưng các thuốc này có thể giúp làm giảm các triệu chứng gây phiền toái nhất, bao gồm hoang tưởng, ảo giác và các vấn đề liên quan đến suy nghĩ.
- Các loại thuốc cũ (thường được gọi là “thế hệ một”) được sử dụng bao gồm: Chlorpromazine, Flouphenazine, Haloperidol, Loxapine, Perphenazine, Thiothixene, Trifluoperazine
- Các loại thuốc mới (“không điển hình” hoặc “thế hệ hai”) được sử dụng để điều trị tâm thần phân liệt bao gồm: Aripoprszole, Aripirazole, Lauroxil, Asenapine, Brezpiprazole, Capriprazine, Clozapine, Iloperidone, Lumateperone, Lurasidone, Olanzapine, Paliperidone, Quetiapine, Risperidone, Zoprasisone.
Lưu ý: Clozapine là loại thuốc duy nhất được FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) chấp thuận để điều trị tâm thần phân liệt kháng trị. Nó cũng được sử dụng để giảm bớt các hành vi tự tử ở những người đã mắc hoặc có nguy cơ mắc chứng tâm thần phân liệt.
Phối hợp chăm sóc đặc biệt (CSC-Coordinated specialty care): Đây là cách tiếp cận theo nhóm để điều trị tâm thần phân liệt khi có sự xuất hiện của các triệu chứng đầu tiên. Nó kết hợp y học và trị liệu với các dịch vụ xã hội, sự can thiệp nơi công sở và trường học. Gia đình nên tham gia vào quá trình điều trị càng nhiều càng tốt. Điều trị sớm chính là bí quyết để giúp bệnh nhân có lại một cuộc sống bình thường.
Liệu pháp tâm lý xã hội: Mặc dù thuốc có thể giúp làm giảm các triệu chứng tâm thần phân liệt, nhưng các phương pháp điều trị tâm lý xã hội khác nhau có thể giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến hành vi, tâm lý, xã hội và nghề nghiệp đi kèm với nó. Thông qua trị liệu, bệnh nhân cũng có thể học được cách kiểm soát các triệu chứng của mình, xác định dấu hiệu cảnh báo khi các triệu chứng tái phát và đưa ra kế hoạch nhằm phòng ngừa việc tái phát. Liệu pháp tâm lý xã hội bao gồm:
- Phục hồi chức năng: tập trung vào các kỹ năng xã hội và đào tạo nghề để giúp người bị tâm thần phân liệt có thể sinh hoạt trong cộng đồng và sống tự lập nhất có thể
- Khắc phục nhận thức: bao gồm việc học một số kỹ thuật khác nhằm bù đắp cho các vấn đề người đó gặp phải trong việc xử lý thông tin. Liệu pháp này thường sử dụng các bài tập mang tính lặp đi lặp lại, huấn luyện và các bài tập trên máy tính để tăng cường các kỹ năng tinh thần liên quan đến sự chú ý, trí nhớ, việc lập kế hoạch và tổ chức.
- Trị liệu tâm lý cá nhân: giúp người đó hiểu rõ hơn về bệnh của họ, đồng thời giúp họ học các kỹ năng để đối phó và giải quyết vấn đề
- Liệu pháp gia đình: giúp các gia đình đối phó với người thân bị tâm thần phân liệt, giúp họ hỗ trợ cho người thân của mình tốt hơn
- Các nhóm trị liệu/hỗ trợ: hỗ trợ lẫn nhau một cách liên tục
Nhập viện: Nhiều người bị tâm thần phân liệt có thể được điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, nhập viện có thể là lựa chọn tốt nhất đối với những người:
- có các triệu chứng nghiêm trọng
- có thể làm hại bản thân hoặc người khác
- không thể tự chăm sóc bản thân ở nhà
Liệu pháp sốc điện (ECT – Electroconvulsive therapy): Trong quá trình này, người đó sẽ được gắn các điện cực vào da đầu. Sau khi họ được gây mê toàn thân và chìm vào giấc ngủ, các bác sĩ sẽ truyền một cú sốc điện nhỏ lên não. Một đợt điều trị ECT thường bao gồm 2-3 lần điều trị mỗi tuần, và được kéo dài trong vài tuần. Mỗi lần dòng điện đi qua sẽ gây ra một cơn co giật ngắn hạn. Theo thời gian, việc điều trị bằng phương pháp này có thể giúp cải thiện tâm trạng và suy nghĩ.
Các nhà khoa học không hoàn toàn hiểu chính xác được cách hoạt động của ECT và cơn co giật có kiểm soát mà nó gây ra, nhưng một số nhà nghiên cứu cho rằng cơn co giật do ECT gây ra có tác động đến việc giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh trong não. Có nhiều bằng chứng cho thấy lợi ích của ECT trong việc chữa trị trầm cảm và rối loạn lưỡng cực hơn so với tâm thần phân liệt. Vậy nên, khi không có các triệu chứng liên quan tâm trạng, ECT thường không được sử dụng trong việc điều trị tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, nó có thể rất hữu ích khi thuốc không còn tác dụng điều trị, hoặc nếu chứng trầm cảm hoặc căng trương lực trở nên nghiêm trọng, khiến việc điều trị trở nên khó khăn.
Nghiên cứu: Các nhà nghiên cứu đang xem xét một quy trình gọi là kích thích não sâu (DBS – Deep Brain Stimulation) để điều trị tâm thần phân liệt. Các bác sĩ phẫu thuật sẽ cấy ghép các điện cực để kích thích một số vùng não có chức năng kiểm soát suy nghĩ và nhận thức. DBS là một phương pháp đã được dùng để điều trị các tình trạng nặng của bệnh Parkinson và run vô căn (Essential tremor), nhưng nó vẫn đang trong quá trình thử nghiệm để điều trị các chứng rối loạn tâm thần.