Tâm Thần Phân Liệt (Phần 2): Nguyên Nhân và Cách Chẩn Đoán

Tâm Thần Phân Liệt (Phần 2): Nguyên Nhân và Cách Chẩn Đoán

Đâu là nguyên nhân gây ra Tâm thần phân liệt? 

Nguyên nhân chính xác của tâm thần phân liệt chưa được xác định rõ. Nhưng giống như ung thư và tiểu đường, tâm thần phân liệt là một căn bệnh thực sự có cơ sở sinh học. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện một số yếu tố có thể làm tăng khả năng bị tâm thần phân liệt, bao gồm:

 

  • Di truyền: Tâm thần phân liệt có thể di truyền trong gia đình. Điều đó có nghĩa là nếu cha mẹ mắc chứng tâm thần phân liệt, thì khả năng đứa con gặp phải chứng bệnh đó sẽ cao hơn.

 

  • Mạch thần kinh và các chất hoá học trong não: Những người bị tâm thần phân liệt có thể không điều chỉnh được các chất hóa học trong não gọi là chất dẫn truyền thần kinh. Các chất này có nhiệm vụ kiểm soát đường đi, hoặc “mạch”, của các tế bào thần kinh ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của con người.

 

  • Bất thường ở não: Nghiên cứu đã tìm thấy cấu trúc não bất thường ở những người bị tâm thần phân liệt. Nhưng điều này không đúng với tất cả những người bị tâm thần phân liệt. Có những người bị ảnh hưởng bởi cấu trúc não bất thường nhưng không bị tâm thần phân liệt.

 

  • Môi trường sống: Ở những người có nguy cơ mắc chứng tâm thần phân liệt do yếu tố di truyền, những tình huống sau có thể là tác nhân gây kích thích chứng rối loạn này bộc phát trong họ: nhiễm virus, tiếp xúc với độc tố như cần sa hoặc phải chịu sự căng thẳng cao độ. Tâm thần phân liệt thường xuất hiện nhiều hơn khi cơ thể có những thay đổi về hormone và thể chất, tương tự như những thay đổi xảy ra ở độ tuổi thiếu niên và thanh niên.

 

Ai có thể bị tâm thần phân liệt?

Bất kỳ ai cũng có thể bị tâm thần phân liệt. Nó ảnh hưởng đến mọi người trên khắp thế giới, từ mọi chủng tộc và nền văn hóa. Mặc dù có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng tâm thần phân liệt thường xuất hiện lần đầu tiên ở độ tuổi thanh thiếu niên hoặc đầu những năm 20 tuổi. Ảnh hưởng của chứng rối loạn này lên nam giới và nữ giới là như nhau, mặc dù các triệu chứng thường xuất hiện sớm hơn ở nam giới. Các triệu chứng bắt đầu càng sớm thì bệnh càng có xu hướng trở nặng. Trẻ em trên 5 tuổi có thể bị tâm thần phân liệt, nhưng thông thường, nó khá hiếm gặp ở trẻ trước tuổi vị thành niên.

 

Tâm thần phân liệt được chẩn đoán như thế nào?

Khi một người có các triệu chứng của tâm thần phân liệt, bác sĩ sẽ tiến hành khai thác tiền án bệnh sử của người đó và thực hiện thăm khám lâm sàn để loại trừ tất cả các bệnh nội khoa khác gây ra ảo giác. Việc chẩn đoán tâm thần phân liệt không cần đến phòng thí nghiệm hay xét nghiệm máu, nhưng các bác sĩ thường sử dụng các kỹ thuật xét nghiệm máu và hình ảnh y khoa để giúp loại trừ các tình trạng thể chất có thể gây ra triệu chứng tương tự. Nếu triệu chứng không xuất phát từ các nguyên nhân liên quan đến thể chất, thì bệnh nhân sẽ được giới thiệu đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần để được chẩn đoán và điều trị.

Bác sĩ tâm thần và nhà tâm lý học sẽ sử dụng các phương pháp chuyên biệt để thăm hỏi và đánh giá nhằm xác định xem liệu người đó có mắc chứng rối loạn tâm thần hay không. Nhà trị liệu sẽ chẩn đoán dựa trên những ghi nhận của người đó và gia đình về các triệu chứng họ đang gặp phải, cũng như sự quan sát của gia đình về thái độ và hành vi của người đó.

Một người được chẩn đoán là mắc bệnh tâm thần phân liệt nếu họ có ít nhất hai trong số các triệu chứng sau, và các triệu chứng đó đã kéo dài ít nhất 6 tháng:

  • ảo tưởng
  • ảo giác
  • nói chuyện vô tổ chức, thiếu mạch lạc
  • hành vi thiếu tổ chức hoặc gặp hội chứng căng trương lực
  • các triệu chứng âm tính

Một trong các triệu chứng phải là:

  • ảo tưởng
  • ảo giác
  • nói chuyện vô tổ chức, thiếu mạch lạc

Trong vòng 6 tháng kể trên, người đó phải có các triệu chứng dương tính kéo dài trong 1 tháng (có thể ít hơn nếu được điều trị thành công.) Các triệu chứng người đó gặp phải đều gây ảnh hưởng tiêu cực cho họ trong nơi làm việc hoặc cho các năng lực xã hội của họ. Và các triệu chứng này không thể do bất kỳ tình trạng thể chất nào khác gây ra.