Tâm Thần Phân Liệt (Phần 1): Định Nghĩa và Triệu Chứng

Tâm Thần Phân Liệt (Phần 1): Định Nghĩa và Triệu Chứng

Giới thiệu:

Những người bị rối loạn tâm thần thường bị mất kết nối với thực tế và phải trải qua một loạt các triệu chứng nghiêm trọng bao gồm: Ảo giác – nghe hoặc thấy những thứ không có thật, chẳng hạn như giọng nói. Ảo tưởng – tin những điều không có thật. Một số dạng rối loạn tâm thần là: tâm thần phân liệt, rối loạn phân liệt cảm xúc, rối loạn dạng phân liệt, rối loạn tâm thần ngắn hạn, rối loạn hoang tưởng và rối loạn tâm thần do chất kích thích.

Khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, người bị rối loạn tâm thần sẽ gặp khó khăn trong việc kết nối với thực tế và thường không thể có một cuộc sống bình thường. Khi một người mắc bệnh tâm thần không thể có một cuộc sống bình thường, bệnh của họ được xem là chứng rối loạn tâm thần nghiêm trọng (severe mental disorder – SMI). SMI là một nhóm nhỏ các bệnh tâm thần dẫn đến một hoặc nhiều chứng rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi hoặc cảm xúc, dẫn đến suy giảm chức năng nghiêm trọng và gây cản trở hoặc hạn chế các hoạt động quan trọng trong cuộc sống (ví dụ như công việc, học tập, sinh hoạt thường ngày). May mắn thay, nếu được điều trị đúng cách, những người mắc SMI vẫn có thể sống một cách năng suất và tích cực.

Rối loạn tâm thần có thể được chia thành nhiều loại. Một số loại rối loạn tầm thần chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng một số khác có thể là mãn tính. Trong quý này, PsyWicV sẽ thảo luận về (1) Tâm thần phân liệt, Rối loạn phân liệt cảm xúc, Rối loạn dạng phân liệt, (2) Rối loạn tâm thần/hoang tưởng ngắn hạn và (3) Rối loạn tâm thần do chất kích thích.

Tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt, Rối loạn phân liệt cảm xúc và Rối loạn dạng phân liệt là ba biến thể của bệnh tâm thần nghiêm trọng mãn tính, ảnh hưởng đến cách một người suy nghĩ, hành động, thể hiện cảm xúc, nhận thức thực tế và kết nối với người khác. Mặc dù những rối loạn này không phổ biến như các bệnh tâm thần nghiêm trọng khác như Rối loạn trầm cảm nặng, nhưng chúng có thể là bệnh mãn tính và gây phiền toái nhất.

Trước tiên, hãy cùng nói về Tâm thần phân liệt. Những người bị tâm thần phân liệt thường gặp khó khăn khi ở trong môi trường xã hội, tại nơi làm việc, trường học và trong các mối quan hệ. Họ có thể cảm thấy sợ hãi, thu mình lại và dường như mất kết nối với thực tế. Căn bệnh này không thể được chữa khỏi hoàn toàn, nhưng nó có thể được kiểm soát nhờ vào cách điều trị phù hợp.

Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, tâm thần phân liệt không phải là sự tách biệt hay đa nhân cách. Tâm thần phân liệt liên quan đến chứng rối loạn tâm thần – một loại bệnh tâm thần khiến cho người bệnh không thể phân biệt được đâu là thật và đâu là tưởng tượng. Đôi khi, những người mắc chứng rối loạn tâm thần bị mất kết nối với thực tế. Với họ, thế giới này giống như một mớ hỗn độn với những suy nghĩ, hình ảnh và âm thanh khó hiểu. Hành vi của họ có thể rất kỳ lạ và thậm chí gây sốc. Sự thay đổi đột ngột về tính cách và hành vi – xảy ra khi họ bị mất kết nối với thực tế – được gọi là giai đoạn loạn thần.

Mức độ nặng nhẹ của tâm thần phân liệt ở mỗi người là khác nhau. Một số người chỉ trải qua một giai đoạn loạn thần, còn một số khác có thể chịu nhiều giai đoạn loạn thần trong đời, nhưng vẫn có được một cuộc sống tương đối bình ổn giữa các giai đoạn đó. Nhưng cũng có những người phải đối diện với nhiều khó khăn hơn theo thời gian, và tình trạng của họ giữa các giai đoạn loạn thần cũng được cải thiện rất ít. Các triệu chứng tâm thần phân liệt có thể trở nên xấu đi và được cải thiện theo chu kỳ được gọi là tái phát và thuyên giảm.

Triệu chứng

Tâm thần phân liệt thường xuất hiện lần đầu tiên ở nam giới trong độ tuổi thanh thiếu niên hoặc đầu 20 và ở phụ nữ là độ tuổi đầu 20 và 30. Các triệu chứng thường được phân thành 2 loại: dương tính và âm tính. Tuy nhiên, triệu chứng dương tính của tâm thần phân liệt không có nghĩa là triệu chứng tốt. Triệu chứng dương tính chỉ về những suy nghĩ hoặc hành động không phù hợp với thực tế.

Đôi khi chúng được gọi là các triệu chứng loạn thần và có thể bao gồm:

  • Ảo tưởng: Đây là những niềm tin sai lầm, lẫn lộn và đôi khi kỳ lạ. Những điều đó không đúng với thực tế nhưng người đó không chịu từ bỏ, ngay cả khi sự thật được phơi bày. Ví dụ, người mắc chứng hoang tưởng có thể tin rằng người khác có thể đọc được suy nghĩ của họ, tin rằng họ chính là Chúa hay ma quỷ, hoặc tin rằng người khác đang nhồi nhét suy nghĩ vào đầu họ hoặc đang âm mưu chống lại họ.
  • Ảo giác: Nó liên quan đến những cảm giác không có thật. Nghe thấy giọng nói trong đầu là ảo giác phổ biến nhất ở những người bị tâm thần phân liệt. Giọng nói đó có thể bình phẩm về hành vi của người họ, xúc phạm hoặc ra lệnh cho họ. Một số dạng ảo giác ít phổ biến hơn đó là nhìn thấy những thứ không có ở đó, ngửi thấy mùi hương lạ, có vị lạ trong miệng và cảm giác có gì đó trên da mặc dù không có gì chạm vào cơ thể bạn.
  • Hội chứng căng trương lực (Catatonia): Với tình trạng này, người đó có thể ngừng nói và giữ nguyên tư thế của cơ thể họ trong một thời gian rất dài.

MỘT SỐ NHÓM TRIỆU CHỨNG KHÁC

Triệu chứng rối loạn tổ chức

Đây là những triệu chứng dương tính, cho thấy người đó không thể suy nghĩ rõ ràng hoặc phản ứng như mong đợi. Ví dụ:

  • Nói những câu không có nghĩa hoặc sử dụng những từ vô nghĩa, khiến người đó khó giao tiếp hoặc trò chuyện cùng người khác
  • Chuyển từ suy nghĩ này sang suy nghĩ khác một cách nhanh chóng mà không có sự liên kết rõ ràng hay logic giữa những suy nghĩ đó
  • Di chuyển chậm
  • Không thể đưa ra quyết định
  • Viết rất nhiều nhưng không có nghĩa
  • Hay quên hoặc mất đồ
  • Lặp đi lặp lại các hành động hoặc cử chỉ, chẳng hạn như đi vòng tròn
  • Gặp khó khăn trong việc hiểu các hình ảnh, âm thanh và cảm xúc thường ngày

Triệu chứng liên quan đến nhận thức

Người đó sẽ gặp vấn đề trong việc:

  • Hiểu thông tin và sử dụng nó để đưa ra quyết định (bác sĩ có thể gọi đây là chức năng điều hành kém)
  • Tập trung hoặc chú ý
  • Sử dụng thông tin và kiến thức vừa được học (đây được gọi là trí nhớ ngắn hạn)
  • Nhận ra mình đang gặp phải một số vấn đề kể trên

Triệu chứng âm tính

Từ “âm tính” ở đây đề cập đến việc thiếu đi các hành vi bình thường, chẳng hạn như:

  • Thiếu cảm xúc hoặc có rất ít cảm xúc
  • Thu mình khỏi gia đình, bạn bè và các hoạt động xã hội
  • Ít năng lượng
  • Nói ít hơn
  • Thiếu động lực
  • Mất niềm vui hoặc hứng thú với cuộc sống
  • Không quan tâm đến việc vệ sinh hay chăm chuốt cho bản thân

Người bị tâm thần phân liệt có nguy hiểm không?

Những cuốn sách và bộ phim nổi tiếng thường mô tả những người bị tâm thần phân liệt và các bệnh tâm thần khác là nguy hiểm và bạo lực. Tuy nhiên, điều này thường không đúng. Hầu hết những người bị tâm thần phân liệt không bạo lực. Ngược lại, họ hay thu mình và thích được ở một mình. Khi người bệnh tâm thần có các hành vi nguy hiểm hoặc bạo lực, thường là do chứng rối loạn tâm thần và nỗi sợ rằng họ đang bị đe dọa bởi môi trường xung quanh. Sử dụng ma túy và rượu có thể làm cho điều đó tồi tệ hơn.

Mặt khác, những người bị tâm thần phân liệt có thể gây nguy hiểm cho chính họ. Tự tử là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm ở những người bị tâm thần phân liệt.

Hi vọng nào dành cho những người bị tâm thần phân liệt?

Nếu được điều trị thích hợp, hầu hết những người bị tâm thần phân liệt đều có thể có một cuộc sống hữu ích và viên mãn. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh và mức độ tiếp nhận điều trị, họ vẫn có thể sống với gia đình hoặc trong môi trường cộng đồng, thay vì sống lâu dài trong các bệnh viện tâm thần.

Các nghiên cứu hiện hành về não bộ và nguyên nhân gây ra các rối loạn não có thể sẽ giúp tìm ra những loại thuốc hiệu quả hơn và có ít tác dụng phụ hơn.

Tâm thần phân liệt có thể được phòng tránh hay không?

Không có cách nào để phòng tránh tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, việc chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp tránh hoặc giảm bớt tình trạng tái phát và nhập viện thường xuyên, đồng thời giúp giảm bớt sự gián đoạn đối với cuộc sống, gia đình và các mối quan hệ của người bệnh.