Rối Loạn Phân Ly (Dissociative disorders): Phần 1: Phân Ly?

Rối Loạn Phân Ly (Dissociative disorders): Phần 1: Phân Ly?

Rối loạn phân ly là một nhóm các rối loạn tâm lý có điểm chung là chúng bao gồm sự mất kết nối giữa ký ức, suy nghĩ, hành vi, nhân cách và môi trường xung quanh. Nghe thật khó hiểu phải không? Đây là một rối loạn khá phức tạp. Hãy kiên nhẫn và cùng PsyWic tìm hiểu nhé.

Phân ly là gì?

Để hiểu rối loạn phân ly thì ta cần hiểu phân ly là gì

  • Phân ly – khả năng bình thường của con người.

Phân ly có thể hiểu đơn giản là sự chia tách bản thân (cảm xúc, ký ức, giác quan, v.v.) khỏi thực tại. Hay nói cách khác phân ly là khi ta bước vào một trạng thái ý thức khác mặc cho điều gì đang xảy ra xung quanh. Đây là một phần bình thường của con người. Bạn có bao giờ:

–   Lái xe đến nơi cần đến nhưng không nhớ gì về những chuyện xảy ra trên đường

–   Tắm xong mà không nhớ mình đã gội đầu hay chưa.

–   Dành hàng giờ suy nghĩ mơ mộng mà cứ tưởng chỉ mới vài phút.

–   Tập trung cao độ làm việc hay giải trí mà không để ý đến thời gian hay những việc xảy ra xung quanh.

–   Chơi tưởng tượng hồi nhỏ (dũng sĩ diệt rồng, cảnh sát bắt cướp, hay bắt chước một bộ phim nào đó)

–   Thờ phượng ở trong nhà thờ tha thiết đến độ quên hết mọi chuyện và mọi người xung quanh.

Đây là những biểu hiện bình thường của phân ly. Nghiên cứu cho thấy thiếu nhi phân ly thường xuyên hơn thiếu niên, và thiếu niên phân ly thường xuyên hơn người trưởng thành.

Phân ly là một phần bình thường của con người. Nguồn: PsyWicV

  • Vậy khi nào phân ly trở nên phiền toái?

Trong những tình huống khó khăn, khả năng phân ly giúp con người tạm gác qua những cảm xúc và sự kiện đau buồn để có thể sinh tồn.

–   Ví dụ: một người phụ nữ mất chồng sớm tạm thời gác qua nỗi đau để thu xếp cho tang lễ và chu toàn việc gia đình. Ngay sau khi đặt xác chồng vào lò thiêu và cửa lò đóng, cô ngã gục xuống và khóc điên cuồng.

Trong trường hợp này, có thể nói, cô tạm phân ly cảm xúc của mình khỏi cuộc sống để có thể giải quyết những việc cần giải quyết. Sau khi mọi việc đã xong, cảm xúc của cô trở lại, và cô cuối cùng đã có thể trải nghiệm nỗi sầu khổ dữ dội của việc mất đi người thân. Có thể bạn đã trải qua những điều tương tự, rồi sau đó tiếp tục cuộc sống của mình mà không gặp rắc rối gì nhiều.

Tuy nhiên trong một số trường hợp sang chấn tâm lý nghiêm trọng, những cảm xúc và ký ức bị phân ly không được tái hợp một cách thích đáng từ đó khiến nạn nhân có những trạng thái ý thức vỡ vụn và rời rạc (cảm xúc, ký ức, giác quan, v.v.) và điều này gây phiền toái cho cuộc sống của họ. Đây là một trong những yếu tố căn bản của rối loạn phân ly.