RLDC không phải là một vấn đề tâm lý phức tạp, tuy nhiên nếu không có sự chăm sóc phù hợp có thể dẫn đến rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu hoặc rối loạn sử dụng chất gây nghiện. Có hai hướng có thể áp dụng đồng thời để chăm sóc những người bị RLDC:
– Giải quyết vấn đề gây căng thẳng: triệu chứng của RLDC sẽ thuyên giảm khi các nhân tố gây phiền muộn không còn nữa (tìm được việc làm, tìm được chỗ ở mới, mua được xe, biết cách chăm con sơ sinh, etc.) Vì vậy đôi khi những sự trợ giúp hoặc lời khuyên thực tế sẽ giúp ích rất nhiều. Ví dụ:
o Tình nguyện nấu ăn và phụ công việc nhà cho một cặp vợ chồng gặp căng thẳng vì vừa sinh con đầu lòng.
o Góp tiền để giúp một người bạn vừa bị trộm xe máy.
o Cho một người bạn ở nhờ cho đến khi họ tìm được công việc ổn định.
– Lắng nghe ưu phiền: hành động thôi đôi khi chưa đủ. Lắm lúc sự trợ giúp lớn nhất đến từ một đôi tai kiên nhẫn. Thêm vào đó, có những vấn đề không thể giải quyết trong thời gian ngắn được và ta cần đồng hành cùng người đó bằng sự đồng cảm cho đến khi họ thích nghi được với cuộc sống. Ví dụ:
o Dành thời gian lắng nghe tâm sự của bà mẹ bị căng thẳng vì vừa sinh con đầu lòng.
o Thường xuyên hỏi thăm một người bạn đang ưu phiền vì mẹ trở bệnh.
o Khích lệ một người bạn đang buồn vì mất việc làm.
Nếu những triệu chứng của RLDC trở nặng đến nỗi những sự trợ giúp bình thường không còn hiệu quả nữa, hoặc triệu chứng kéo dài suốt nhiều tháng ngay cả khi những yếu tố gây căng thẳng không còn nữa, ta nên khuyến khích người thân tìm sự giúp đỡ từ chuyên gia.
Nên nhớ rằng những triệu chứng của RLDC đến từ việc một người gặp vấn đề thích nghi với một thay đổi trong cuộc sống. Vì vậy ta không nên nghĩ rằng những triệu chứng này có nghĩa là người thân không còn yêu thương mình nữa. Tìm kiếm sự giúp đỡ, hỗ trợ chưa bao giờ là dấu hiệu của sự yếu đuối. Lắng nghe với sự thấu cảm cùng những thay đổi, điều chỉnh hợp lý sẽ giúp người đang gặp vấn đề thấy khá hơn.
Hy vọng bạn thấy loạt bài về Rối Loạn Điều Chỉnh này hữu ích cho bạn. Tiếp tục theo dõi PsyWic-V để đón đọc loạt bài tiếp theo về Tâm Bệnh Học nhé!