Để tìm hiểu về việc sang chấn tâm lý ảnh hưởng như thế nào với cơ thể và não bộ, chúng ta cần nắm được cách não bộ hoạt động và phát triển.
- Vùng não cảm xúc & sinh tồn: vùng não này bao gồm hệ limbic và cuống não. Cuống não kiểm soát các hoạt động như ăn, ngủ, khóc, thở; cảm nhận nhiệt độ, cơn đói, độ ẩm và đau đớn; bài tiết chất thải khỏi cơ thể qua đường tiểu tiện và đại tiện.
Hệ limbic kiểm soát cảm xúc, giám sát các mối đe dọa, xác định điều gì là đáng sợ hoặc đáng mừng, cái gì quan trọng hoặc không quan trọng để sinh tồn. Trong những tình huống nguy hiểm, hệ limbic và cuống não khởi động các kế hoạch ứng biến đã được lập trình trước, ví dụ như phản ứng chiến, chạy hoặc đóng băng (fight- flight- freeze response). Tất cả những hành vi này xảy ra một cách vô thức mà không thông qua những tính toán, lên kế hoạch cũng như tính logic và lý trí suy xét.
- Phần não lý trí (thùy trán): Bộ phận này cho phép chúng ta tính toán và suy ngẫm, tưởng tượng và tiên liệu về các viễn cảnh tương lai. Đồng thời phần thùy trán cũng chịu trách nhiệm cho tính thấu cảm – nó cho phép ta có mối quan hệ hòa hợp với người xung quanh.
Vậy nên nếu như hệ limbic và cuống não chịu trách nhiệm cho dục vọng, cảm xúc và sinh tồn, thì phần tân vỏ não đem những thông tin đó kết hợp cùng những điều chúng ta đã học và trải nghiệm để đi đến quyết định hợp tình hợp lý.
Ví dụ: phần não cảm xúc và sinh tồn giống như là 1 chiếc máy báo khói. Khi bạn cảm nhận thấy khói trong nhà, phần não này sẽ báo hiệu cho phần lý trí kiểm tra ngay xem nguồn gốc của khói từ đâu đến. Đối với phần não cảm xúc thì khói nào cũng là khói, còn não lý trí có thể xác định và phân biệt giữa việc ngửi thấy khói cháy nhà hay ngửi thấy khói trong nhà hàng BBQ. Nếu phần não lý trí của bạn quyết định đây là khói do cháy nhà, phần não cảm xúc sẽ kiểm soát tình hình và ra lệnh cho bạn làm điều cần thiết để thoát hiểm (đánh, chạy, hay đóng băng). Đây là phản ứng hoàn toàn bình thường của não bộ. Khi đã thoát khỏi tình cảnh nguy hiểm, chúng ta sẽ hồi phục trạng thái cân bằng, vùng não lý trí sẽ chiếm quyền kiểm soát và chúng ta sẽ dần dần bình thường trở lại.
Vấn đề là: nếu vì lý do nào đó mà phản ứng sinh tồn này bị cản trở và ta không thể làm gì được trước tình huống hiểm nghèo – như là bị kẹt ở vùng chiến sự, tai nạn xe cộ, bạo hành, cưỡng bức, thì não cảm xúc sẽ liên tục phát tín hiệu trong vô vọng. Kể cả khi sự việc đã qua lâu, não cảm xúc vẫn có thể tiếp tục gửi tín hiệu báo động nguy hiểm tới cơ thể để thoát khỏi mối đe dọa không còn tồn tại. Nói 1 cách khác, còi báo cháy vẫn tiếp tục kêu ngay cả khi không có khói, làm bạn kẹt ở trạng thái lo sợ và bất an không ngớt. Đây là dấu hiệu của Rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD).