Rối Loạn Căng Thẳng Hậu Sang Chấn (Phần 5): Làm Sao Để Hỗ Trợ Người Gặp PTSD

Rối Loạn Căng Thẳng Hậu Sang Chấn (Phần 5): Làm Sao Để Hỗ Trợ Người Gặp PTSD

Sau đây là những điều bạn có thể làm để chăm sóc một người bị PTSD

o   Động viên, đồng hành:

  • Khuyến khích họ đi gặp chuyên gia.
  • Học hỏi thêm về PTSD để hiểu triệu chứng và hướng điều trị.
  • Cùng tham gia các hoạt động thư giãn: đi bộ, bơi lội, làm vườn, chơi nhạc hoặc một sở thích nào đó.
  • Đừng ép họ chia sẻ: đôi khi chúng ta quá nóng lòng được cùng mang gánh nặng với người thân khiến họ cảm thấy bị áp lực. Thêm vào đó có những chi tiết về sang chấn cũng sẽ gây ảnh hưởng tâm lý đến chúng ta nếu không sẵn sàng.
  • Hãy lắng nghe, đừng vội đưa lời khuyên: không có gì đau đớn bằng thấy người thân bị mắc kẹt. Tuy nhiên đưa cho họ những câu trả lời đơn giản cho một rối loạn tâm lý phức tạp sẽ làm tổn thương họ nhiều hơn.
  • Hãy kiên nhẫn: kiên nhẫn với nỗi đau của họ và kiên nhẫn với sự xót xa của chính bạn. Với sự chăm sóc ân cần, câu trả lời sẽ đến theo thời gian.
  • Nhắc nhở họ về tình yêu bạn dành cho họ ngay cả khi họ phát triệu chứng.
  • Nhắc nhở họ rằng PTSD không quyết định giá trị con người của họ.
  • Để ý đến những yếu tố kích hoạt triệu chứng và cùng người đó lên kế hoạch phản ứng khi những yếu tố đó xuất hiện (âm thanh, ánh sáng, ác mộng, v.v.)

o   Can thiệp, hỗ trợ:

  • Khi người đó nổi giận hãy cho họ không gian: khi triệu chứng PTSD bị kích hoạt thì phần não lý trí không còn hoạt động, vì vậy hãy cho họ thời gian bình tĩnh lại.
  • Khi người đó bị flashback (hồi tưởng) hãy:
  • Nói cho người đó biết họ đang bị hồi tưởng. Nhắc nhở họ về thực tại: họ đang ở đâu, hiện giờ là mấy giờ, họ đang làm gì ở đây, tên của bạn là gì, v.v.
  • Khuyến khích họ nhìn quanh phòng và mô tả những gì họ thấy. Đây cũng là một cách kéo họ từ hồi tưởng về thực tại.
  • Khuyến khích họ hít thở sâu. Cùng họ hít thở nếu có thể.
  • Nên hỏi họ có thoải mái không trước khi chạm vào họ. Một người bị hồi tưởng có thể có những phản ứng dữ dội trước đụng chạm xúc giác.

o   Chăm sóc bản thân:

  • Đảm bảo những nhu cầu cơ bản của bản thân được đáp ứng: ăn đủ bữa, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên.
  • Tìm cộng đồng hỗ trợ cho chính bạn: Chia sẻ và học hỏi từ những người đã trải qua chuyện tương tự có thể thêm sức cho bạn.
  • Chia sẻ trách nhiệm cho người khác: bạn không thể một mình làm tất cả, đặc biệt là khi chăm sóc một người bị sang chấn.
  • Dành thời gian cho bản thân: đừng từ bỏ sở thích, hay những hoạt động đổ đầy bạn. Nếu bạn không được đổ đầy thì bạn cũng chẳng có gì để cho đi.
  • Có giới hạn tốt: không ai là bậc thánh nhân cứu nhân độ thế. Nên biết giới hạn của mình và trình bày rõ ràng những gì bạn có thể và không thể làm.

 –   Những triệu chứng PTSD có thể gây choáng ngợp cho những người chăm sóc vì cường độ của chúng. Vì vậy cần nhớ rằng bạn cũng cần không gian để được hồi phục và tiếp tục chạy đường dài với họ. Bản thân khỏe mạnh là món quà quý nhất bạn có thể cho một người bị PTSD. Hy sinh sức khỏe tâm lý cá nhân cho người khác vừa hại chính bạn, vừa hại người cần chăm sóc.