Rối Liệu Điều Chỉnh (Phần Ba): Điều Trị và Phòng Ngừa

Rối Liệu Điều Chỉnh (Phần Ba): Điều Trị và Phòng Ngừa

Cuộc sống là quá trình điều chỉnh không ngừng để thích nghi với những biến số mà thế giới đem đến cho chúng ta. Sẽ có lúc ta thích nghi nhanh chóng, cũng có lúc ta gặp khó khăn hơn và cần sự giúp đỡ từ cộng đồng hoặc chuyên gia. Đây là một phần bình thường của cuộc sống. Nếu như những triệu chứng của RLDC gây phiền toái cho cuộc sống trong thời gian dài mà không có dấu hiệu thuyên giảm, hoặc bạn thường xuyên có những triệu chứng của RLDC ngay cả khi trải qua những thay đổi tương đối nhỏ trong cuộc sống, bạn nên tìm đến một người tin tưởng để trò chuyện và gặp một chuyên gia nếu có thể.

Có hai hướng điều trị RLDC:

o  Trị liệu tâm lý (hay còn gọi là trị liệu nói): RLDC thông thường chỉ cần điều trị liệu ngắn hạn để hỗ trợ thân chủ vượt qua giai đoạn khó khăn bằng cách:

(1) thay đổi những suy nghĩ không lành mạnh và

(2) học những kĩ năng điều hòa cảm xúc.

o   Trị liệu thuốc: trong một số trường hợp khi triệu chứng trầm cảm và lo âu trở nặng thì cần có sự can thiệp của thuốc. Tuy nhiên không nên phụ thuộc chỉ vào thuốc mà cần có sự phối hợp với trị liệu tâm lý và sự hỗ trợ từ cộng đồng.

Có hai hướng điều trị RLĐC: Trị liệu tâm lý và Trị liệu thuốc

*Phòng ngừa:


Không có gì có thể khiến cuộc sống này ngừng thay đổi. Cho nên, để phòng ngừa khả năng đối diện với những biến số mà thế giới đem lại là điều không thể. Tuy nhiên ta có thể tăng sức đề kháng tâm lý bằng cách “tối ưu hóa” cách nhìn nhận và tiếp cận các vấn đề trong cuộc sống:

o   Thực hành sự linh hoạt trong cuộc sống.

  • Thay đổi là quy luật tất yếu trong cuộc sống. Ai cũng biết điều này, nhưng đây là sự thật khó chấp nhận. Hãy suy ngẫm về những thay đổi trong quá khứ và những gì bạn học được từ đó.
  • Hãy mở lòng với những thay đổi nhỏ trong cuộc sống và suy ngẫm điều bạn học được từ chúng.
  • Bạn cũng có thể gặp một nhà tâm lý để khám phá lý do đằng sau nỗi sợ thay đổi và làm sao để trở nên linh hoạt hơn.

o   Nhận biết điều gì trong tầm kiểm soát và ngoài tầm kiểm soát.

  • Khi tập trung vào những gì ngoài tầm kiểm soát (thiên tai, bệnh dịch, quyết định của người khác, sự vô thường của cuộc sống etc.), ta sẽ đi vào chỗ tuyệt vọng và bất lực.
  • Khi ta nhận biết điều gì trong tầm kiểm soát, ta có thể đi đến những quyết định hợp lý và thực tế khi cuộc sống có những thay đổi không như ý, từ đó giúp tâm lý của chúng ta ổn định hơn.

    Những cách phòng ngừa RLĐC

o   Thực hành đức tính thỏa lòng và biết ơn.

  • Nhiều nghiên cứu cho thấy lòng biết ơn giúp cải thiện sức khỏe tâm lý và sự bền bỉ trong cuộc sống trước những biến cố.
  • Biết ơn với những gì mình đang có giúp ta có sự thỏa lòng dù cuộc sống không phải lúc nào cũng như ý.
  • Bạn có thể bắt đầu bằng việc suy ngẫm và ghi xuống vào cuối mỗi ngày câu hỏi “tôi đã nhận được gì hôm nay?”

o   Một cộng đồng hỗ trợ lành mạnh.

  • Nhiều nghiên cứu cho thấy sự liên kết giữa sự cải thiện sức khỏe tâm lý và một cộng đồng lành mạnh.
  • Chuyên gia tâm lý, dù có thể giúp bạn rất nhiều, không thể thay thế lợi ích lâu dài của việc có những người bạn tốt.
  • Một cộng đồng lành mạnh đóng vai trò như bộ phận giảm xóc, giúp giảm áp lực và hỗ trợ bạn thích nghi tốt hơn với những thay đổi trong cuộc sống.
  • Tìm một nhóm hỗ trợ cụ thể cho hoàn cảnh của bạn (nhóm hỗ trợ bà mẹ đơn thân, người mắc ung thư, cha mẹ mất con, người mất việc làm, v.v.)

Bạn có thể xem thêm một số gợi ý của PsyWic để tìm các mối quan hệ lành mạnh. Mong bài viết này hữu ích và cùng đón đọc bài viết tiếp theo để tìm hiểu cách để hỗ trợ người mắc Rối Loạn Điều Chỉnh nhé!