Những cách tốt nhất để bắt đầu cuộc trò chuyện

small-talk

Đối với người hướng nội, những cuộc trò chuyện xã giao cũng giống như một trận chiến vậy.  Nhưng nếu trong những khoảng thời gian trống như trước khi cuộc họp hay bữa tiệc bắt đầu, mà bạn không nói gì cả, thì bạn sẽ có nguy cơ trở nên vô hình. Trước hết, hãy để bản thân được thoải mái và hãy nhớ rằng hầu như mọi người đều cảm thấy lo lắng khi đối diện với người khác, đặc biệt là những người có chức quyền cao hơn họ. Việc ngần ngại bắt chuyện với những người có quyền lực cũng là điều hiển nhiên. Nhưng khi bạn cố gắng để mở lời, thì người khác sẽ lắng nghe và kết nối với bạn.

Hãy nhớ lại cảm giác của bạn khi ai đó hỏi bạn rằng “Bạn có khỏe không?”. Thông thường , bạn có thể trả lời câu hỏi đó theo 1 trong 3 cách, “Tôi khỏe”, “Tôi ổn”, “Tôi bình thường”. Nhưng  vấn đề là những cách phản hồi này không thể tạo ra bất kỳ cuộc đối thoại nào nữa. Cho nên, thay vào đó, hãy đặt những câu hỏi có hiệu quả hơn ví dụ như “Ngày hôm nay của bạn thế nào?”, “Tuần này của bạn thế nào?” “Có kế hoạch nào cho cuối tuần chưa?” “Việc học của bạn thế nào rồi?” v.v … những câu hỏi này giúp bạn biết được một vài thông tin của đối phương và cho thấy rằng bạn đang quan tâm và muốn kết nối với họ. Theo các nhà nghiên cứu, bí quyết để tận dụng tối đa những cuộc trò chuyện xã giao, chỉ đơn giản là hỏi người kia những câu hỏi liên quan đến chủ đề vừa được nói tới. Trong một loạt thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đã phân tích hơn 300 cuộc trò chuyện trực tuyến và nhận thấy rằng những người được hỏi những câu hỏi có ý nghĩa sẽ cảm thấy đối phương dễ mến hơn rất nhiều.

Lần tới, khi bạn có cơ hội, hãy chào hỏi ai đó bằng một câu hỏi mà nó có thể mở đầu cho cuộc trò chuyện đúng nghĩa, cho phép mọi người kết nối với bạn và cho họ cảm nhận được chính con người bạn.

Dưới đây là bốn bí quyết để nâng cao kỹ năng trò chuyện xã giao của bạn:

  1. Để tham gia vào những cuộc nói chuyện xã giao, hãy thật sự tập trung và quan sát môi trường xung quanh bạn. Hãy nhìn xung quanh và tìm một thứ để tập trung vào, chẳng hạn như tác phẩm nghệ thuật trên tường, một món đồ ngộ nghĩnh hoặc một tấm ảnh gia đình ở trên bàn, cái mũ bảo hiểm dành cho xe đua,  những đồng xu từ các quốc gia khác nhau, v.v. Chắc chắn sẽ phải có thứ gì đó có thể giúp khơi gợi và dẫn dắt cuộc trò chuyện với những câu hỏi độc đáo. .
  2. Hãy nhớ rằng việc giao tiếp không chỉ nằm ở những điều bạn muốn nói mà còn là qua cách bạn thể hiện. Dù bạn nói gì hay nói bao nhiêu đi chăng nữa, thì giọng nói, nét mặt và sự giao tiếp bằng mắt của bạn vẫn sẽ có thể truyền tải được nhiều điều hơn. Khi nói chuyện trực tiếp, hãy nhìn thẳng vào đối phương khi bạn nói. Nếu nói chuyện qua điện thoại, thì hãy mỉm cười – điều này sẽ giúp giọng nói của bạn trở nên ấm áp hơn. Bí quyết kết nối với người khác không chỉ nằm ở những điều bạn nói, mà còn là ở cách bạn nói.
  3. Chia sẻ về bản thân ở mức độ mà bạn cảm thấy thoải mái. Nếu bạn có “tin vui”, hãy chia sẻ nó: “Tôi vừa nhận nuôi một bé thú cưng vào cuối tuần rồi” hoặc “Hôm qua, đứa con 6 tuổi của tôi chạy xe đạp lần đầu tiên đấy” . Hầu hết mọi người đều muốn biết  nhiều hơn về người khác. Ví dụ như nếu bạn vừa nhận một công việc mới ở vị trí trưởng bộ phận, hãy bắt đầu cuộc họp đầu tiên của mình bằng cách để cho mỗi người chia sẻ một điều thú vị mới vừa xảy ra trong cuộc sống của họ. Kết thúc buổi chia sẻ ngắn đó, bạn đã có thể giúp mọi người cảm thấy được kết nối với nhau một cách cá nhân và chân thành hơn.
  4. Nói chuyện ‘sớm’. Cho dù bạn đang dự một buổi họp hay bữa tiệc, hãy cố gắng bắt chuyện một cách nhanh chóng. Nếu bạn chờ đợi, có hai điều có thể sẽ xảy ra: Một là người khác sẽ nói ý mà bạn muốn nói. Và hai là những người đồng nghiệp hoạt ngôn hơn của bạn sẽ làm chủ cuộc trò chuyện cùng những câu hỏi của họ. Bạn sẽ bị lạc lối trong cuộc hội thoại và bỏ lỡ cơ hội kết nối với người khác.

Hy vọng bạn có thể áp dụng một trong những bí quyết trên để bắt đầu những cuộc hội thoại ý nghĩa và xây dựng mối liên hệ chất lượng. Nếu thấy bài viết hữu ích, hãy để lại bình luận và cùng chia sẻ nhé!