Lòng Tự Trọng Là Gì?

Lòng Tự Trọng Là Gì?

Phần 1: Lòng tự trọng là gì?

Lòng tự trọng là những quan điểm của bạn về bản thân mình. Khi có lòng tự trọng lành mạnh, bạn có xu hướng suy nghĩ tích cực về bản thân và có thái độ khá lạc quan về mọi thứ trong cuộc sống. Khi đối diện với khó khăn, bạn tự tin rằng mình sẽ vượt qua được nó. Những người có lòng tự trọng lành mạnh sẽ nhận thức được rằng mình có giá trị và họ có thể kể ra ít nhất một đức tính tốt của mình, ví dụ như “Tôi là một người bạn tốt”, “Tôi tốt bụng”, “Tôi thật thà”, hay “Tôi là một người cha tốt”.

Còn với lòng tự trọng thấp, bạn sẽ có xu hướng nhìn nhận bản thân, thế giới xung quanh và cả tương lai của mình theo hướng tiêu cực và đầy sự chỉ trích. Khi gặp khó khăn, bạn sẽ bắt đầu nghi ngờ rằng liệu mình có thể vượt qua được không, và bạn có thể sẽ tránh né nó. Bạn có những lời lẽ cay nghiệt tự dành cho bản thân, ví dụ như “Mình thật ngu ngốc”, “Mình sẽ không bao giờ giải quyết được chuyện này”, hay “Mình chẳng làm được tích sự gì”. Bạn cảm thấy lo lắng, buồn rầu, nản lòng và không có bất kì động lực nào cả.

Điều gì khiến một người có lòng tự trọng thấp? 

Điều quan trọng bạn cần phải nhớ đó là không một ai là có lòng tự trọng thấp ngay từ khi sinh ra cả – mà nó là kết quả từ những trải nghiệm của chúng ta trong cuộc sống. Điểm cốt yếu của lòng tự trọng thấp đó là những suy nghĩ và quan điểm của chúng ta dành cho chính mình. Chúng ta tự kể những câu chuyện về chính mình và tự đưa ra kết luận về bản thân. Những quan điểm này có thể được điều chỉnh, mặc dù chúng vốn luôn được xem là “chân lý”. Thực tế thì đó chỉ là những câu chuyện, những cái mác chúng ta tự đặt ra, và nó không nói lên được tất cả con người của chúng ta.

Những trải nghiệm tiêu cực từ thuở nhỏ là yếu tố rất quan trọng trong việc dẫn đến lòng tự trọng thấp. Các yếu tố khiến một người dễ có lòng tự trọng thấp bao gồm:

  • Từng bị trừng phạt, bị bỏ rơi hoặc bạo hành khi còn nhỏ. Những trải nghiệm thuở bé như bị bạo hành, bị bỏ rơi, bị bắt nạt hay bị trừng phạt là rất quan trọng. Những đứa trẻ từng trải qua những điều đó thường sẽ tự tạo nên một ý niệm cho bản thân rằng chúng tồi tệ và đáng bị trừng phạt.
  • Không đáp ứng được kì vọng của người khác. Bạn có thể cảm thấy mình không đủ tốt vì bạn không thể đáp ứng được kì vọng của người khác – nó có thể là những tiêu chuẩn phi thực tế của ba mẹ bạn – nhưng hãy nhớ rằng những kì vọng đó không phải lúc nào cũng là công bằng và hợp lý.
  • Không có bạn đồng trang lứa. Việc trở nên khác biệt hay trở thành người bị ‘ra rìa’ trong giai đoạn tuổi dậy thì, giai đoạn hình thành danh tính, có thể có ảnh hưởng rất lớn đến lòng tự trọng của bạn.
  • Không nhận đủ sự ấm áp, tình cảm, khen ngợi, yêu thương hay động viên. Lòng tự trọng thấp có thể được hình thành ngay cả khi bạn không có những trải nghiệm tiêu cực, mà chỉ đơn giản là không có đủ những trải nghiệm tích cực. Nếu như trẻ không có đủ sự công nhận rằng chúng giỏi, chúng đặc biệt, hay chúng được yêu thương, trẻ sẽ dễ hình thành suy nghĩ rằng mình không đủ giỏi.

Hãy tưởng tượng thế này. Bình và Minh là hai anh em sinh đôi và được 2 gia đình khác nhau nhận nuôi: Ba mẹ nuôi của Bình rất yêu thương Bình và thường dành lời khen cho cậu như “con làm tốt lắm”, hay “thử lại một lần nữa nào, để mẹ giúp con nhé”. Bình cũng có bạn bè, cậu cảm thấy mình được chấp nhận và có thể ‘hòa nhập’. Ngược lại thì với Minh, cậu thường bị ba mẹ la mắng là “tại sao con khờ như vậy”, “tại sao con chậm chạp vậy”. Minh luôn cố gắng để được ba mẹ chấp nhận, nhưng cậu không bao giờ cảm thấy mình đủ tốt cả. Và với bạn bè đồng trang lứa, cậu cũng cảm thấy vậy. Cậu có vài người bạn, nhưng cũng thường bị ‘bắt nạt’ bởi những đứa trẻ khác.

Những ảnh hưởng thuở thơ ấu có thể ảnh hưởng rất lớn đến cách 1 người nhìn nhận về bản thân. Tuy nhiên cuộc sống là một quá trình trưởng thành và ta luôn có cơ hội để cải thiện bản thân và vượt qua những chướng ngại trong đời mình.

Đó là kết thúc của phần 1. Trong phần 2 chúng ta sẽ tìm hiểu tại sao lòng tự trọng thấp kéo dài qua thời gian. Xin chào và hẹn gặp lại các bạn trong bài viết sau.