Người ta có câu rằng phòng bệnh hơn chữa bệnh. Những phương cách giảm căng thẳng, dù có hiệu quả, cũng chỉ mang tính bị động. Chúng ta chỉ có thể sử dụng chúng lúc mình căng thẳng, nhưng không thể giải quyết được tận gốc vấn đề. Thay vào đó, việc phòng ngừa căng thẳng hiệu quả đòi hỏi chúng ta phải thay đổi lối sống, chủ động tránh những căng thẳng và tăng cường sức khỏe mỗi ngày.
Thay đổi cách sống không phải là một điều dễ dàng, ngay cả khi nó mang lại lợi ích cho bạn. Khi cố gắng tạo ra sự thay đổi mình mong muốn, chúng ta sẽ có xu hướng lao đầu vào nó và cố gắng giữ một bộ quy tắc sống mới cứng nhắc, không thoải mái và không cho phép những trường hợp sai sót hay không được lường trước xảy ra. Chúng ta xoay sở để giữ nó hoạt động trong một thời gian ngắn nhờ vào sức mạnh của ý chí. Nhưng rồi sẽ có một cái gì đó xảy ra làm chúng ta chệch hướng. Và khi điều đó xảy ra, chúng ta sẽ có xu hướng quay trở lại cách hành xử của mình trước đây và quay về với những thói quen cũ.
Việc thay đổi lối sống một cách từ từ và cẩn trọng có thể tạo ra sự khác biệt lớn giữa thành công và thất bại. Việc thay đổi từ từ, theo từng giai đoạn cho phép chúng ta phát triển động lực của bản thân một cách đầy đủ hơn, và chuẩn bị kỹ càng cho những thất bại và khả năng quay lại lối sống cũ, do đó giảm khả năng bị hoàn toàn chệch hướng trong quá trình thay đổi. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng điểm qua các bước để tạo ra những thay đổi lâu dài trong lối sống của mình:
Bước 1: Nhận diện nan đề để thúc đẩy sự thay đổi. Động lực là cực kỳ quan trọng đối với quá trình thay đổi, đóng vai trò vừa là nền tảng vừa là nguồn sức mạnh. Mọi nỗ lực thay đổi đều bắt đầu bằng động lực. Động lực được xuất phát từ các sự kiện làm xáo trộn hiện trạng và sự thoải mái của con người và khiến họ nhận thức được vấn đề. Trước khi có nhận thức về vấn đề thì không thể có động lực thay đổi. Nếu chúng ta hài lòng với cuộc sống của mình, chúng ta sẽ không thấy cần phải thay đổi bất cứ điều gì. Trong cuộc sống của chính mình, bạn có thể nghĩ đến một vài sự kiện căng thẳng lớn đã thách thức bạn và khiến bạn nhận thức được các vấn đề trong cuộc sống. Đây cũng có thể là lý do thúc đẩy bạn tìm hiểu về cách quản lý căng thẳng. Có lẽ bạn đã cảm thấy quá tải với việc thuyết trình tại nơi làm việc. Có lẽ bạn thấy mình đã nhiều lần gây gổ với vợ / chồng hoặc con cái của mình. Có lẽ bác sĩ cho biết những cơn đau nhức mà bạn đang gặp phải là do làm việc quá sức hoặc do lo âu. Có lẽ bạn đã từng lên cơn đau tim và lo sợ mình không được ở bên để nhìn thấy con cái trưởng thành. Có vô số cách mà bạn có thể nhận diện những nan đề trong cuộc sống, hãy để nó làm động lực thúc đẩy bản thân theo đuổi việc thay đổi lối sống.
Bước 2: Thực hành nhận thức. Hãy bắt đầu để ý đến cách cơ thể và tâm trí của bạn phản ứng với căng thẳng và những gì bạn có thể thực hiện để khắc phục những vấn đề này Nâng cao nhận thức về phản ứng của bạn trước những tình huống khác nhau là một quá trình cần nhiều luyện tập. Trong ngày hãy dành thời gian định tâm và suy nghĩ về những gì bạn đã trải qua và cách cơ thể và tâm trí của bạn phản ứng với chúng. Dần dần bạn sẽ có thể nhận thức được cách bạn phản ứng trong lúc những tình huống đó đang diễn ra, từ đó bạn có thể áp dụng những bài tập giảm căng thẳng.
Bước 3: Giữ cam kết. Cần có cam kết hàng ngày cho việc thực hành các kỹ thuật quản lý căng thẳng. Chỉ suy nghĩ về chúng là không đủ; bạn phải thực hiện nó.
Chúng ta đã bàn về các công cụ quản lý căng thẳng trong các bài trước, có thể nó sẽ hữu ích với bạn. Bạn sử dụng những kỹ thuật quản lý căng thẳng nào? Chia sẻ chúng trong các bình luận để chúng mình cũng có thể học hỏi từ bạn nữa nhé.
Tác giả: Tiến sĩ Tâm lý Hoa Võ
Người dịch: Thiên Trúc