Phần 1: Cô lập xã hội là gì? (Social Isolation)
Việc ở một mình không phải là xấu, hầu hết chúng ta thỉnh thoảng vẫn có lúc muốn ở một mình. Việc dành thời gian ở một mình có thể giúp chúng ta thư giãn, tĩnh tâm và lấy lại năng lượng, đặc biệt nếu như bạn là người hướng nội. Cô lập xã hội thường nói đến sự cô độc ngoài ý muốn và không lành mạnh.
Những người bị cô lập xã hội có thể bị thiếu bạn bè hoặc đồng nghiệp thân thiết, họ thường cảm thấy cô đơn và buồn rầu. Họ có thể bị tự ti (low self-esteem) hoặc lo âu. Những triệu chứng liên quan đến cô lập xã hội sau đây là những dấu hiệu cảnh báo về sự cô lập xã hội không lành mạnh:
- Tránh giao tiếp xã hội, kể cả với những mối quan hệ mình từng thấy thích thú
- Thường hủy kế hoạch và cảm thấy nhẹ nhõm mỗi khi kế hoạch bị hủy
- Lo lắng hoặc hoảng loạn khi nghĩ đến việc giao tiếp xã hội
- Cảm thấy sợ khi tham gia các hoạt động xã hội
- Dành phần lớn thời gian một mình và có rất ít mối liên hệ với người khác
Cô lập xã hội có thể bao gồm cả việc cô lập cảm xúc, đồng nghĩa với việc không muốn hoặc không thể chia sẻ cảm nhận của mình với người khác. Khi những người bị cô lập xã hội thiếu đi sự tương tác và hỗ trợ về mặt cảm xúc, họ có thể trở nên tê liệt cảm xúc (emotionally numb) – bị tách rời khỏi cảm xúc của chính mình.
Nguyên nhân gây ra cô lập xã hội
Nhiều hoàn cảnh có thể khiến cho chúng ta bị cô lập với những người khác hoặc chọn cách tự cô lập:
- Bị bạo hành bởi người thân. Những người bị bạo hành đôi khi sẽ tránh tiếp xúc với gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp vì họ không muốn chia sẻ về hoàn cảnh hiện tại của mình.
- Mất đi người thân yêu. Chọn cách cô lập sau khi có bạn bè hay người thân trong gia đình qua đời là điều khá phổ biến, đặc biệt là với những người lớn tuổi đã phải từ biệt nhiều người thân yêu cùng độ tuổi của mình.
- Vấn đề về sức khỏe tinh thần. Những vấn đề như lo âu, trầm cảm hay tự ti có thể là hậu quả từ việc cô lập xã hội, nhưng cũng có thể là nguyên nhân gây ra nó.
- Ở xa người thân. Những người sống ở xa hoặc bị cách biệt với gia đình và bạn bè về mặt địa lý do công việc (ví dụ như đi phục vụ trong quân ngũ) có thể sẽ phải chịu cảm giác bị cô lập.
- Khiếm khuyết về thể chất. Những khó khăn về mặt thể chất làm hạn chế khả năng vận động có thể làm giảm khả năng giao tiếp xã hội của chúng ta. Một số người khuyết tật cảm thấy xấu hổ về sự khiếm khuyết hay ngoại hình của mình, điều đó khiến cho họ ngại giao tiếp xã hội. Hạn chế trong khả năng nghe hay nhìn cũng có thể gây nên cảm giác bị cô lập.
- Mạng xã hội. Việc giao tiếp thông qua mạng xã hội giúp nhiều người có thể giữ liên lạc với nhau, nhưng nó cũng có thể tạo ra sự cô lập nếu như nó thay thế hoàn toàn những cuộc trò chuyện ý nghĩa hay những tương tác thật sự giữa người với người.
- Thất nghiệp. Cảm giác xấu hổ vì mất việc làm hay không thể tìm được chỗ làm ổn định có thể khiến cho ai đó tự cô lập bản thân mình.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mức độ cô đơn thấp có liên quan đến hôn nhân, mức thu nhập cao hơn, và trình độ học vấn cao hơn. Mức độ cô đơn cao có liên quan đến các triệu chứng sức khỏe về thể chất, sống một mình, ít mối quan hệ xã hội và những mối quan hệ xã hội không chất lượng.
Ảnh hưởng của cô lập xã hội và sự cô độc
Sức khỏe tinh thần và thể chất có liên hệ mật thiết với nhau. Cô lập xã hội có thể gây ra những ảnh hưởng xấu cho cơ thể, từ việc mất ngủ cho đến suy giảm chức năng miễn dịch của cơ thể. Sự cô độc có thể làm gia tăng mức độ lo âu, trầm cảm và cả tỉ lệ tự sát.
- Chúng gây ra cảm giác cô độc, có thể dẫn đến viêm mãn tính (chronic inflammation), hủy hoại tế bào, mạch máu, và tăng nguy cơ mắc bệnh tim, viêm khớp và tiểu đường. Nó ảnh hưởng đến giấc ngủ và chế độ ăn uống của chúng ta. Ảnh hưởng tiêu cực của nó tương đương với việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày.
- Các nghiên cứu về sự cô lập ở động vật và con người bị cô lập đã xác định được một số cấu trúc não bộ dường như bị ảnh hưởng do thiếu sự tương tác xã hội. Mặc dù những nghiên cứu này không thể khẳng định 100% sự cô lập xã hội là nguyên nhân gây ra những tác động này – và không phải lúc nào cũng thống nhất với nhau – nhưng nó đã làm sáng tỏ một số cách (mechanism) mà sự cô lập, hoặc cảm giác cô đơn, có thể làm suy giảm chức năng và nhận thức của não.
Mối liên hệ giữa cô lập xã hội và những vấn đề y tế chưa được hiểu một cách đầy đủ, nhưng có nhiều bằng chứng được đưa ra để củng cố mối liên hệ này.