Các Loại Rối Loạn Khác

Các Loại Rối Loạn Khác

Rối loạn phân liệt cảm xúc (Schizoaffective disorders)

Rối loạn phân liệt cảm xúc “Schizoaffective disorder” là một tình trạng sức khỏe tâm thần mãn tính, bao gồm các triệu chứng của cả tâm thần phân liệt và rối loạn tâm trạng, chẳng hạn như rối loạn trầm cảm hay rối loạn lưỡng cực. Trên thực tế, nhiều người bị tâm thần phân liệt ban đầu được chẩn đoán nhầm là bị trầm cảm hay rối loạn lưỡng cực. Các nhà khoa học không biết chắc liệu rối loạn phân liệt cảm xúc có liên quan nhiều đến tâm thần phân liệt hay rối loạn tâm trạng hay không. Nhưng nó thường được nhận định và chữa trị như một chứng rối loạn kết hợp cả hai tình trạng kể trên.

Số người mắc rối loạn phân liệt cảm xúc là rất ít — 0,03% dân số. Ảnh hưởng của nó lên nam giới và nữ giới là như nhau, nhưng nam giới thường mắc bệnh này ở độ tuổi trẻ hơn so với nữ giới. Các bác sĩ có thể giúp kiểm soát, nhưng hầu hết những người được chẩn đoán mắc bệnh này đều bị tái phát. Những người mắc bệnh này cũng thường có vấn đề trong việc sử dụng chất gây nghiện.

Các triệu chứng rối loạn phân liệt cảm xúc ở mỗi người có thể rất khác nhau, và mức độ nặng nhẹ của nó cũng vậy. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Ảo tưởng, ảo giác, các triệu chứng trầm cảm, thiếu sự chăm sóc dành cho bản thân (không giữ gìn vệ sinh hoặc chăm chút vẻ bề ngoài)
  • Hưng cảm hoặc đột ngột thay đổi mức năng lượng hoặc mức độ hạnh phúc
  • Suy nghĩ dồn dập (racing thoughts) hoặc có các hành vi nguy hiểm
  • Gặp vấn đề liên quan đến lời nói và giao tiếp, chỉ trả lời một phần của câu hỏi hoặc đưa ra câu trả lời không liên quan (Bác sĩ có thể gọi đây là suy nghĩ vô tổ chức)
  • Gặp khó khăn nơi làm việc, trường học và trong bối cảnh xã hội

Nguyên nhân gây ra Rối loạn phân liệt cảm xúc chưa được xác định chính xác.

Các yếu tố có thể gây ra rối loạn phân liệt cảm xúc cũng tương tự như tâm thần phân liệt. Rối loạn phân liệt cảm xúc thường bắt đầu vào cuối những năm thiếu niên hoặc đầu tuổi trưởng thành, thường ở độ tuổi từ 16 đến 30. Nó thường xảy ra nhiều hơn ở nữ giới và hiếm gặp ở trẻ em.

Vì rối loạn phân liệt cảm xúc bao gồm các triệu chứng phản ánh hai loại bệnh tâm thần nên nó dễ bị nhầm lẫn với chứng các rối loạn tâm thần hay tâm trạng khác. Một số bác sĩ có thể chẩn đoán đó là tâm thần phân liệt, người khác có thể nghĩ đó là rối loạn tâm trạng. Kết quả là, thật khó để biết có bao nhiêu người thực sự mắc chứng rối loạn phân liệt cảm xúc. Có lẽ nó ít phổ biến hơn so với tâm thần phân liệt hay rối loạn tâm trạng đơn thuần.

Người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn phân liệt cảm xúc phải có:

  • Thời kỳ bệnh kéo dài không gián đoạn
  • Một giai đoạn hưng cảm, trầm cảm nặng hoặc kết hợp cả hai
  • Các triệu chứng của tâm thần phân liệt
  • Ít nhất hai giai đoạn có triệu chứng loạn thần, mỗi giai đoạn kéo dài 2 tuần. Một trong số đó xảy ra mà không có các triệu chứng trầm cảm hoặc hưng cảm.

Điều trị Rối loạn phân liệt cảm xúc

Thuốc: Loại thuốc bạn dùng tùy thuộc vào việc bạn có triệu chứng trầm cảm hay rối loạn lưỡng cực, cùng với các triệu chứng liên quan đến tâm thần phân liệt. Các loại thuốc chính được kê cho các triệu chứng loạn thần như ảo tưởng, ảo giác và suy nghĩ vô tổ chức được gọi là thuốc chống loạn thần. Tất cả các loại thuốc này có thể giúp điều trị chứng rối loạn phân liệt cảm xúc, nhưng paliperidone dạng giải phóng kéo dài là loại thuốc duy nhất được FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) chấp thuận để điều trị loại bệnh này. Đối với các triệu chứng liên quan đến tâm trạng, bạn có thể dùng thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc ổn định tâm trạng.

Tâm lý trị liệu (psychotherapy): Mục tiêu của cách trị liệu này là giúp bạn tìm hiểu về căn bệnh của mình, đặt mục tiêu và kiểm soát các vấn đề xảy ra hàng ngày liên quan đến chứng rối loạn đó. Liệu pháp gia đình có thể giúp các thành viên trong gia đình hiểu hơn và hỗ trợ cho người thân mắc chứng rối loạn phân liệt cảm xúc.

Đào tạo kỹ năng: Phương pháp này thường tập trung vào các kỹ năng làm việc và xã hội, việc chải chuốt, tự chăm sóc bản thân cũng như các hoạt động thường ngày khác, bao gồm việc quản lý tiền bạc và nhà cửa.

Nhập viện: Người đang trong giai đoạn loạn thần có thể cần phải nằm viện, đặc biệt nếu họ có ý định tự tử hoặc đe dọa làm tổn thương người khác.

Liệu pháp sốc điện: Phương pháp điều trị này có thể là một lựa chọn dành cho những người trưởng thành không đáp ứng với liệu pháp tâm lý hoặc điều trị bằng thuốc. Các bác sĩ sử dụng liệu pháp này vì họ cho rằng nó làm thay đổi chất hóa học trong não bộ và có thể làm đảo ngược một số tình trạng người đó đang gặp phải.

Các biến chứng của Rối loạn phân liệt cảm xúc

Tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ:

  • Lạm dụng rượu hoặc chất gây nghiện
  • Mắc chứng Rối loạn lo âu
  • Xung đột với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và những người khác
  • Nghèo đói và vô gia cư
  • Gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng
  • Bị cô lập xã hội
  • Tự tử, cố gắng tự tử hoặc có ý định tự tử
  • Thất nghiệp

Phòng tránh Rối loạn phân liệt cảm xúc

Bạn không thể phòng tránh nó. Nhưng việc chẩn đoán và bắt đầu điều trị sớm có thể giúp bạn tránh hoặc giảm bớt tình trạng tái phát và nhập viện thường xuyên, đồng thời giúp giảm những gián đoạn trong cuộc sống, gia đình và các mối quan hệ.

Rối loạn phân liệt cảm xúc và Tâm thần phân liệt

Rối loạn phân liệt cảm xúc có các đặc điểm của tâm thần phân liệt, như ảo giác, ảo tưởng và suy nghĩ vô tổ chức, kèm theo đó là các đặc điểm của rối loạn tâm trạng, như hưng cảm và trầm cảm. Lúc đầu, nó thường bị chẩn đoán nhầm là một trong hai.

Do đó, điều trị rối loạn phân liệt cảm xúc thường kết hợp thuốc chống loạn thần và thuốc chống trầm cảm.

Rối loạn dạng phân liệt (Schizophreniform disorder)

Rối loạn dạng phân liệt là một loại bệnh tâm thần có các triệu chứng tương tự như tâm thần phân liệt nhưng kéo dài dưới 6 tháng. Giống như tâm thần phân liệt, rối loạn dạng phân liệt là một loại “rối loạn tâm thần” khiến cho người đó không thể phân biệt được đâu là thực và đâu là tưởng tượng. Nó cũng ảnh hưởng đến cách người đó suy nghĩ, hành động, thể hiện cảm xúc và cư xử với người khác. Nếu các triệu chứng kéo dài hơn 6 tháng, các bác sĩ sẽ coi đó là tâm thần phân liệt chứ không phải rối loạn dạng phân liệt.

Chẩn đoán

Khi ai đó có triệu chứng, bác sĩ sẽ sử dụng nhiều xét nghiệm khác nhau để loại trừ các bệnh không liên quan đến tâm thần.

Người được chẩn đoán mắc rối loạn dạng phân liệt là khi các triệu chứng chỉ kéo dài dưới 6 tháng.

Điều trị

Cả thuốc và tâm lý trị liệu (một loại tham vấn) đều được sử dụng cho việc điều trị. Người có các triệu chứng nghiêm trọng hoặc có nguy cơ tự làm tổn thương bản thân hay người khác có thể cần phải nhập viện để tình trạng của họ được kiểm soát.

  • Thuốc: Thuốc chống loạn thần là loại thuốc chính mà các bác sĩ sử dụng để điều trị các triệu chứng loạn thần của rối loạn dạng phân liệt, chẳng hạn như hoang tưởng, ảo giác và suy nghĩ vô tổ chức.
  • Tâm lý trị liệu: Mục tiêu là giúp người bệnh nhận biết và tìm hiểu về căn bệnh cũng như cách điều trị, đặt mục tiêu và kiểm soát các vấn đề xảy ra hàng ngày liên quan đến tình trạng bệnh. Nó cũng có thể giúp người đó đối phó với cảm giác khó chịu đi kèm với các triệu chứng. Liệu pháp gia đình có thể giúp các gia đình có cách hành xử và hỗ trợ tốt hơn đối với người thân mắc chứng rối loạn dạng phân liệt.

Tiên lượng bệnh 

Những người mắc chứng rối loạn dạng phân liệt có thể hồi phục trong vòng 6 tháng. Nếu các triệu chứng không cải thiện, người đó có khả năng bị tâm thần phân liệt, và đây là một căn bệnh kéo dài suốt đời. Theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, khoảng 2/3 số người mắc chứng rối loạn dạng phân liệt sẽ tiếp tục bị phát triển bệnh thành tâm thần phân liệt.

Rối loạn dạng phân liệt có thể được phòng tránh không?

Không có cách nào để phòng tránh rối loạn dạng phân liệt. Nhưng chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng, vì việc đó có thể giúp hạn chế thiệt hại đối với cuộc sống, gia đình và các mối quan hệ khác của người bệnh.