Chắc hẳn chúng ta đều đã từng nghe ai đó nói rằng: “Bạn khiến tôi bực bội”, hay “Bạn khiến tôi thật hạnh phúc”. Vậy những câu nói đó thật sự có nghĩa gì?
Có lần, tôi nghe một người phụ nữ trung niên kể về mối quan hệ kéo dài 25 năm của cô với chồng. Khi chia sẻ, cô ấy liên tục nhắc đi nhắc lại rằng chồng cô hay khiến cô cảm thấy “thật ngu ngốc mỗi khi (cô) trò chuyện hay hỏi anh ấy bất cứ thứ gì”. Cô đã luôn phải đấu tranh với cảm giác bị chồng xem thường, trong cách anh ấy đáp lại những câu hỏi của cô. Cô chia sẻ rằng bản thân vẫn luôn nghĩ đến việc ly hôn.
Có thể dễ dàng nhận thấy đây là sắc thái chủ đạo của mối quan hệ kéo dài hơn một thập kỷ này. Chồng của cô không hề khiến cô cảm thấy “được tôn trọng, được hạnh phúc hay được yêu thương”. Khi tôi hỏi về điều cô ấy muốn, cô đã nói rằng cô “muốn chồng không đối xử với cô như vậy nữa,… khiến cô cảm thấy thật thấp kém.” Cô ấy chia sẻ rất nhiều về việc chồng của cô đã khiến cô cảm thấy như thế nào… Tôi hỏi vậy cô ấy muốn được “cảm thấy” như thế nào? Và tất cả những gì cô có thể hồi đáp đó là “miễn không phải những gì tôi đang phải cảm nhận và tôi muốn chồng mình phải thay đổi”. Tôi hỏi xem cô ấy sẽ làm cách nào để “chồng mình thay đổi”? Cô ấy nói rằng mình sẽ chỉ ra những khuyết điểm của chồng và nói anh ấy sửa những điểm đó (không phải lúc nào cũng nói cách nhẹ nhàng). Tôi hỏi xem liệu chiến thuật của cô ấy có tác dụng không, thì cô bảo “thỉnh thoảng”. Nhưng nó cũng chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn và rồi anh ấy lại quay về lối hành xử trước đây. Kể cả khi tôi đã đặt câu hỏi, tôi vẫn thấy cô ấy đang phải chật vật để nói về những điều cô ấy muốn và cần trong chuyện này. Cô ấy chỉ có thể đề cập đến những điều cô không muốn chồng mình làm. Vậy nên tôi đã cho cô một bài tập nhỏ, đó là trước lần gặp tiếp theo của chúng tôi, cô ấy hãy cố gắng tìm ra điều cô thật sự mong muốn.
Lần kế tiếp khi tôi gặp cô ấy, bằng những sự động viên, cô ấy đã có thể diễn đạt thành lời rằng cô muốn cảm thấy được yêu thương, được quan tâm và có một cuộc hôn nhân thật hạnh phúc. Vậy nên chúng tôi đã cùng bàn luận về cách để cô ấy đạt được mục tiêu đó. Và, một lần nữa, giải pháp cô ấy đưa ra đó là “chồng tôi cần phải thay đổi cách anh ấy đối xử với tôi”. Cô nói đến những tổn thương về cả thể xác lẫn tinh thần mỗi khi chồng cô cư xử với cô như cách đó giờ anh ấy vẫn làm.
Ban đầu, tôi cố gắng tìm hiểu xem khó khăn trong mối quan hệ của họ là gì, nhưng khi càng lắng nghe, tôi lại càng nhận ra thứ đang gây khó khăn cho cô ấy chính là cách phản ứng của cô. Những vết thương tâm lý từ mối quan hệ của hai người đã khiến cô xem bản thân mình là nạn nhân và tìm đến sự giúp đỡ từ những người xung quanh. Đây là một cách phản hồi điển hình (dù không phải lúc nào nó cũng đúng). Mục tiêu của tôi đó là giúp cô ấy nhận ra được rằng cô có quyền lựa chọn. Kể cả khi cô ấy cảm thấy không hài lòng với tất cả các lựa chọn, thì việc nhận diện được những lựa chọn đó vẫn có thể tiếp thêm sức cho cô và giúp cô nhận ra những ranh giới của mình trong mối quan hệ.
Một điều không thể phủ nhận đó là bất kể người chồng có thay đổi hành vi của anh ấy hay không, thì cũng là lựa chọn của anh, không phải của cô. Tuy nhiên, cô ấy vẫn có cách để hướng đến những thay đổi mà cô muốn có được. Quyết tâm thay đổi của cô không đồng nghĩa với việc cô phải thừa nhận mình là người sai, mà chỉ đơn giản là để nhận ra rằng cô ấy có thể chọn hướng đi mình muốn, thay vì cứ đi theo cách phản ứng mang tính bản năng của mình.
Cô ấy gặp khó khăn với việc diễn giải những điều mình nghe được và cô cho rằng: “Nếu tôi không được yêu thương, trân trọng hay hạnh phúc, thì chắc chắn tình huống hiện tại đang rất tồi tệ”. Và nếu cô ấy ngay lập tức kết luận rằng những điều “tồi tệ” đó luôn xuất phát từ cách chồng cô đối xử với cô, thì cô sẽ tiếp tục là nạn nhân trong chính cuộc hôn nhân của mình. Tôi đã giúp cô nhận ra rằng mặc dù cô đã cố gắng chống trả và nỗ lực thay đổi chồng cô nhiều như thế nào, cô vẫn chưa thành công. Vậy nên tôi đã cho cô một thách thức đó là hãy giữ mình ở thế chủ động, để thay đổi cách cô đối đáp lại với chồng và cách cô hiểu những hàm ý trong lời nói của anh.
Trong lần gặp của chúng tôi sau đó, cô gần như là một con người hoàn toàn khác. Cô thay đổi thái độ và bắt đầu nhận ra rằng cô không thể thay đổi chồng của mình, vậy nên cô cần thay đổi cách thức của mình nếu như cô muốn có được một kết quả khác. Cách cô kể về các tình huống mình gặp phải cũng khác. Cô ở thế chủ động hơn và đã có thể học được cách điều chỉnh cảm xúc của chính cô bất kể cho người chồng có những cách ứng xử như thế nào. Tất nhiên là nói thì dễ hơn làm, nhưng dù sao, đây cũng là một khởi đầu tốt.
Chúng ta thường có những yêu cầu nhất định trong mối quan hệ. Một vài người chọn cách nói thẳng ra, nhưng cũng có người sẽ chỉ trông đợi và rồi thất vọng khi không có được những thứ mình muốn. Suy cho cùng, chúng ta chính là người chịu trách nhiệm cho những cảm xúc, suy nghĩ và hành động của mình trong mọi việc. Người khác không thể bắt bạn phải cảm nhận theo một hướng nhất định nào cả. Họ có thể là tác nhân gây kích hoạt cảm giác của bạn, những tổn thương, những nỗi đau, nhưng chính bạn là người đưa ra quyết định cuối cùng rằng bạn sẽ cho phép những điều đó ảnh hưởng đến mình như thế nào.
Nhiều người trân trọng hạnh phúc và sự thoải mái của họ. Và tôi cũng không nghĩ rằng có thứ gì quý giá hơn thế, nhất là khi bạn đã lập gia đình. Tôi không ủng hộ việc chịu khổ cực. Tôi không nghĩ hôn nhân là chịu đựng sự khổ sở, nhưng mà là ngược lại, điều này áp dụng cho tất cả mối quan hệ của chúng ta.
Chắc hẳn chúng ta đều muốn có những mối quan hệ thoải mái và vui vẻ. Thế nhưng, thường thì những người luôn muốn được hạnh phúc và cố gắng đeo đuổi nó bằng mọi giá lại là những người cực khổ nhất trên đời. Tại sao? Lý do là vì hạnh phúc là một kết quả, không phải một sự kiện. Cuộc sống bao gồm một chuỗi những sự kiện, có những cái nằm trong quyền kiểm soát của chúng ta, một số thì không. Hạnh phúc đôi khi là kết quả của những điều tốt đẹp xảy đến với chúng ta. Nhưng thông thường, đó là kết quả của việc chúng ta nhìn nhận mặt tốt đẹp bên trong và chăm chỉ hướng đến sự phát triển nhân cách của bản thân.
Hạnh phúc là trái ngọt được kết từ rất nhiều sự cố gắng bền bỉ trong mối quan hệ, sự nghiệp, tâm linh, và là điều chủ chốt cho những khía cạnh khác trong cuộc sống. Sự thật là ngay cả khi chúng ta cảm thấy không hạnh phúc, những điều tốt đẹp vẫn có thể xảy đến. Những giây phút hỗn độn đó có thể là điều thiết yếu cho sự phát triển, và là giải pháp cho những vấn đề khúc mắc trong cuộc sống của bạn. Hãy nắm chắc một điều rằng tất cả sự các sự việc này là cơ hội để bạn học hỏi, suy nghĩ này có thể thay đổi cả cuộc đời bạn. Cảm xúc tạo điều kiện cho sự phát triển, và sự phát triển giúp bạn lớn lên và đơm hoa kết trái. Sự phát triển đôi khi có thể không thoải mái, nhưng khi chúng ta chấp nhận và trân trọng những điều đó, chúng ta sẽ được học hỏi, lớn lên và làm vững mạnh nhân cách của chính mình. Hãy nhận lấy trách nhiệm đối với bản thân mình. Hãy cứ sống tử tế và đối xử với người khác một cách tốt nhất có thể. Và rồi cuối cùng, bạn sẽ cảm thấy vui vẻ từ trong ra ngoài, vì những hành động và việc làm của bạn… và rồi khi đó, hạnh phúc sẽ theo sau bạn.
Tác giả: Tiến sĩ Tâm lý Hoa Võ