Khi nói chuyện với ai đó, đặc biệt là khi người đó đang cần bạn giúp đỡ hoặc đang bị trầm cảm, hãy tập trung vào các việc sau:
(1) Lắng nghe họ, thay vì nghĩ xem mình nên nói gì. Dù gì thì khi một người đang gặp khó khăn và bị mắc kẹt trong những suy nghĩ và cảm xúc của chính họ thì họ cũng không thể nghe bạn nói. Hãy tập chú ý bằng cách chủ động lắng nghe họ. Nếu bạn không hiểu rõ điều họ đang nói đến, hãy hỏi lại bằng những câu như “Kể tôi nghe thêm về…”, “Có vẻ như bạn đang muốn nói là…”, “Tôi hiểu là bạn đang…, có phải không?”, “Bạn giúp tôi hiểu rõ hơn chuyện này với…”
(2) Ở bên họ, theo cả nghĩa đen và mặt tinh thần. Bất kể bạn đang nói chuyện qua điện thoại, tin nhắn hay đang ở cùng nơi với họ, hãy để họ biết bạn đang lắng nghe. Việc lắng nghe chiếm 80% của cuộc trò chuyện và việc nói chỉ chiếm 20%. Thế nhưng, hầu như những người trưởng thành đều dành 80% cuộc trò chuyện để nói và 20% còn lại để lắng nghe. Các nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ em lắng nghe tốt hơn người lớn. Phải chăng là do trẻ có ít điều để nói hơn? Hay do chúng có bí quyết gì khác? Ở bên ai đó về mặt tinh thần là chúng tôi muốn nói đến “sự đồng cảm”. Để có thể hiểu được cảm xúc của người khác, chúng ta cần lục tìm một cảm giác tương tự trong chính bản thân mình và cảm nhận nó. Nghĩa là bạn đang vui với kẻ vui và khóc với kẻ khóc.
(3) An ủi người đó rằng bạn quan tâm đến họ. Điều khó khăn nhất đối với một người đang gặp khó khăn về mặt tâm lý là tìm đến sự giúp đỡ. Hãy nhớ rằng những suy nghĩ tiêu cực đang khiến họ nghĩ rằng họ không xứng đáng được yêu thương. Hãy an ủi họ bằng những lời nói và hành động, để họ thấy rằng mình đang được yêu thương. Cho họ biết rằng những điều họ đang chia sẻ không thể khiến bạn rời bỏ họ. Bạn yêu họ vô điều kiện, kể cả khi bạn không đồng tình với những hành động hay lời nói của họ. Bạn yêu họ vì chính con người họ. Đảm bảo với họ rằng bạn sẽ cố gắng hết sức để có thể đồng hành cùng họ.
(4) Để họ biết rằng bạn sẽ không phán xét họ. Mục đích của cuộc trò chuyện là để bạn giúp đỡ họ, là bạn đang cố gắng để thấu hiểu chứ không phải phán xét họ. Mẹ Tê-rê-sa đã từng nói rằng: “Nếu bạn phán xét một người, bạn sẽ không còn chỗ để yêu thương họ nữa”. Bạn cũng không nhất thiết phải chia sẻ câu chuyện hay trải nghiệm của mình trừ khi là vì lợi ích của người đó. Chia sẻ thông tin về chính mình dễ khiến người đó cảm thấy là bạn ở đây với họ. Hãy nghĩ xem việc chia sẻ cảm xúc của mình là khó khăn như thế nào, đặc biệt là những cảm xúc khó nói như trầm cảm, lo sợ, tội lỗi, xấu hổ. Vì vậy, khi ai đó dũng cảm làm điều đó và đủ tin tưởng để chia sẻ với bạn, hãy để họ được mở lòng mà lo sợ bị phán xét về những điều họ nói.
Hy vọng bạn thấy những chia sẻ trên hữu ích để có những cuộc hội thoại đầy quan tâm dành cho những người bạn thực sự yêu thương và muốn giúp đỡ. Hãy để lại bình luận và cùng chia sẻ bài viết nhé.