Giao Tiếp Hiệu Quả để Nuôi Dưỡng Mối Liên Hệ

Giao Tiếp Hiệu Quả để Nuôi Dưỡng Mối Liên Hệ

Trong vài tháng qua, PsyWicV đã chia sẻ về chủ đề Chăm Sóc Bản Thân. Và một trong những khía cạnh quan trọng trong việc chăm sóc bản thân đó là chăm sóc các mối quan hệ của bạn. Có rất nhiều cách để giữ gìn và nuôi dưỡng mối quan hệ. Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ cùng xem qua cách để giao tiếp hiệu quả- một yếu tố quan trọng để nuôi dưỡng mối liên hệ.

Giao tiếp hiệu quả không chỉ đơn thuần là trao đổi thông tin, mà còn là thấu hiểu những cảm xúc, mong muốn ẩn chứa sau những thông tin đó. Bên cạnh việc truyền tải được những điều mình muốn nói một cách rõ ràng, bạn cần phải lắng nghe để hiểu được đầy đủ ý nghĩa của câu nói và cho đối phương cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu. Mặc dù kỹ năng giao tiếp có vẻ như thuộc về bản năng, nhưng thực tế thì giao tiếp lại rất dễ đi chệch hướng. Có thể là chúng ta nói điều này, nhưng đối phương lại hiểu thành điều khác, hoặc tự diễn giải ý của chúng ta dựa theo cảm giác của họ, theo những ngôn ngữ cơ thể của chúng ta, theo tâm trạng hiện tại của họ hoặc cũng có thể là theo mức độ thân thiết của họ với chúng ta.

Giao tiếp là một quá trình phức tạp, đó là lý do tại sao lại có những sự hiểu lầm, bực tức hay mâu thuẫn. Điều này có thể gây khó khăn cho các mối quan hệ trong gia đình, trường học hay chỗ làm của bạn.Đối với nhiều người, việc giao tiếp rõ ràng và hiệu quả đòi hỏi chúng ta phải học thêm một số kỹ năng quan trọng. Bất kể là bạn muốn cải thiện việc giao tiếp với vợ/chồng của mình, với con cái, với sếp hay đồng nghiệp, thì việc học hỏi những kỹ năng này sẽ giúp bạn củng cố được mối liên hệ với người khác, xây dựng lòng tin và sự tôn trọng, cải thiện các công việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề và cả sức khoẻ của bạn, về mặt tinh thần và xã hội.

Hãy nhớ rằng khi bạn mệt mỏi hay có những cảm xúc tồi tệ, bạn sẽ dễ hiểu sai ý người khác, đưa ra những tín hiệu phi ngôn ngữ gây khó hiểu và có những cách phản ứng không lành mạnh. Để tránh mâu thuẫn và hiểu lầm, bạn cần học cách để lấy lại bình tĩnh một cách nhanh chóng trước khi tiếp tục cuộc trò chuyện. Sẽ tốt hơn nếu bạn nói đối phương cho bạn thêm thời gian để suy ngẫm về một quyết định nào đó, thay vì là phản hồi ngay khi bạn đang mệt mỏi.
Bạn không thể giao tiếp hiệu quả khi bạn đang làm nhiều việc cùng một lúc. Nếu bạn mải xem điện thoại, bận suy tính điều mình sẽ nói hay đang mơ mộng, bạn sẽ gần như bỏ lỡ hết các tín hiệu phi ngôn ngữ trong cuộc trò chuyện. Để giao tiếp hiệu quả, bạn cần phải tập trung và tránh những thứ gây xao nhãng. Nếu bạn đang bận, nếu có thể, hãy nói đối phương cho bạn chút thời gian để hoàn thành công việc trước khi bạn trò chuyện với họ.

Những giao tiếp phi ngôn ngữ nên là thứ củng cố cho những câu nói của bạn, chứ không phải mâu thuẫn với nó. Nếu bạn nói một điều, còn ngôn ngữ cơ thể của bạn lại diễn đạt điều khác, người nghe sẽ dễ cảm thấy bạn đang thiếu trung thực. Thử nghĩ xem tình cảnh sẽ khó hiểu ra sao nếu bạn nói “có” nhưng lại đang lắc đầu. Nếu bạn không thích hoặc không đồng tình với điều người kia nói, rất có thể là bạn sẽ có những ngôn ngữ cơ thể mang tính tiêu cực để đối đáp với câu nói của đối phương, ví dụ như khoanh tay, lẩn tránh ánh mắt của họ hay dậm chân. Bạn không nhất thiết phải đồng ý, hay thậm chí là thích điều người kia nói, nhưng để giao tiếp hiệu quả và không khiến cho người kia cảm thấy bị xúc phạm, bạn cần tránh gửi đi những tín hiệu mang tính tiêu cực.

Khi giao tiếp với người khác, chúng ta thường tập trung vào những điều mình cần nói. Tuy nhiên, giao tiếp hiệu quả tập trung nhiều vào việc lắng nghe hơn là nói. Lắng nghe một cách thấu hiểu rất khác với việc đơn giản là nghe, bởi đó không chỉ là hiểu câu chữ hay những thông tin được truyền tải, mà còn là thấu hiểu những cảm xúc mà người nói đang muốn gửi gắm và có thể thật sự đồng cảm với họ trong giờ phút đó. Lắng nghe một cách thấu hiểu sẽ tạo được sự kết nối. Khi làm điều đó, bạn sẽ nghe được những thanh âm trong giọng nói của người đó, chỉ cho bạn biết những cảm nhận và cảm xúc mà họ muốn truyền tải. Là một người giỏi lắng nghe, bạn sẽ không chỉ hiểu được hơn về đối phương, mà còn khiến họ cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu. Từ đó có thể giúp mối quan hệ của các bạn sẽ trở nên gần gũi và gắn kết hơn.

Khi giao tiếp theo cách này, bạn cũng sẽ có cơ hội để trải nghiệm một quá trình làm giảm đi những căng thẳng và giúp tăng cường sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần. Ví dụ, nếu đối phương là một người điềm tĩnh, việc bạn chăm chú lắng nghe họ cũng là cách để giúp bạn điềm tĩnh hơn. Tương tự, nếu đối phương đang trong trạng thái buồn bực, bạn có thể giúp họ bình tĩnh lại bằng việc chủ động lắng nghe và bày tỏ sự thấu hiểu dành cho họ.

Nếu mục tiêu của bạn là có thể thấu hiểu và kết nối được với người khác một cách trọn vẹn, thì việc lắng nghe một cách thấu hiểu thường sẽ đến một cách rất tự nhiên. Nếu như bạn gặp khó khăn trong việc lắng nghe, chúng tôi sẽ chia sẻ cho bạn một số bí quyết để giúp bạn cải thiện được kỹ năng quan trọng này. Bạn càng tập kỹ năng lắng nghe này, những tương tác của bạn với người khác sẽ càng trở nên thoải mái và hữu ích hơn.

Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, hãy để lại bình luận và chia sẻ bài viết nhé.