Sai lầm 1: Không để con thất bại
Là cha mẹ, chúng ta sẽ không đành lòng để con vật lộn với những thử thách mà ta có thể giúp chúng. Nhưng hãy thử nghĩ mà xem: Nếu bạn cho con biết câu trả lời của bài tập về nhà mà con đang làm thì bạn cũng không thể giúp chúng khi ở trên lớp. Chúng phải tự mình hoàn thành những bài tập đó. Thất bại là một phần quan trọng của thành công. Nếu những đứa trẻ không có cơ hội để học những bài học đi kèm với thất bại, chúng sẽ không bao giờ phát triển được sự kiên trì cần thiết để vươn lên sau khi thất bại. Vậy nên, thay vì bảo vệ con khỏi thất bại, hãy để chúng đối diện với những thử thách phù hợp với độ tuổi dưới sự giám sát của bạn và giúp chúng vượt qua những thất bại để có thể phát triển khả năng giải quyết vấn đề.
Sai lầm 2: Đáp ứng mọi yêu cầu của con
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng đáp ứng mọi yêu cầu của con là thương con nhưng thực chất lại là hại con. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nếu bạn cho con mình mọi điều chúng muốn, bạn đang bỏ lỡ cơ hội dạy chúng những kỹ năng liên quan đến sức mạnh tinh thần, chẳng hạn như sự kỷ luật bản thân.
Các bậc cha mẹ nên dạy con biết rằng: để đạt được những điều mình muốn, chúng phải trả một cái giá tương xứng với điều đó. Chẳng hạn, để đạt thành tích xuất sắc ở trường, chúng phải siêng năng học tập; để có được món đồ chơi mình muốn, chúng phải đáp ứng một số yêu cầu của cha mẹ v.v
Cha mẹ nên dạy con tính tự chủ bằng cách đặt ra các quy tắc rõ ràng cho những việc như hoàn thành bài tập về nhà trước giờ xem tivi hoặc làm việc nhà để tăng tiền tiêu vặt (để chúng có thể tự mua đồ mình muốn).
Sai lầm 3: Đảm bảo con luôn cảm thấy thoải mái
Có nhiều điều có thể khiến con bạn cảm thấy không thoải mái, đặc biệt khi nó liên quan đến việc làm một điều gì đó mới mẻ như: thử một món ăn mới, kết bạn mới, chơi một môn thể thao mới hoặc chuyển nhà và phải đến trường mới, v.v
Nhưng cũng giống như thất bại, việc đón nhận những khoảnh khắc không thoải mái có thể thúc đẩy sức mạnh tinh thần. Khuyến khích con bạn thử những điều mới ngay cả khi ban đầu có chút gian nan giúp chúng tự tin tiếp tục vì khởi đầu luôn là phần khó nhất. Nhưng một khi chúng thực hiện bước đầu tiên đó, chúng có thể nhận ra rằng nó không khó như chúng nghĩ và thậm chí chúng có thể giỏi nó!
Sai lầm 4: Không làm gương cho con
Hẫu hết cha mẹ luôn đưa ra những lời khuyên tốt cho con mình như: hãy đối xử tử tế với người khác, tránh xa thuốc lá, rượu bia nhưng nếu bố mẹ không thực hiện những điều đó thì cũng chả có ích gì.
Hãy nhớ rằng, trẻ em có xu hướng phản ánh hành vi của cha mẹ nhiều hơn là lắng nghe những gì cha mẹ nói với chúng. Nếu cha mẹ muốn con mình thực hiện các hành vi lành mạnh, chẳng hạn như đối xử tử tế với người khác, hãy làm mẫu cho chúng những hành vi đó.
Sai lầm 5: Để công nghệ quản lý con
Công nghệ là một phần thiết yếu và quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, từ việc cung cấp cho chúng ta khả năng giải trí đến việc giúp chúng ta xử lý các công việc hàng ngày. Nhưng nếu cha mẹ để công nghệ quản lý con quá thường xuyên thì lại là một điều tệ hại.
Nhiều bậc phụ huynh luôn quản lý trẻ bằng cách đưa chúng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng và sau đó mặc kệ con họ làm gì thì làm miễn chúng không làm phiền họ là được . Dẫu biết rằng các bậc phụ huynh muốn có chút thời gian để nghỉ ngơi, xem phim hoặc cho sở thích cá nhân nhưng việc để công nghệ quản lý con quá thường xuyên sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý trẻ.
Vậy nên, hãy gạt công nghệ sang một bên và tạo ra những kỷ niệm thông qua việc dành thời gian chất lượng cho con bằng cách thực hiện nhiều hoạt động khác nhau, trò chuyện và kết nối với nhau. Trẻ em sẽ không nhớ chiếc điện thoại mới nhất mà cha mẹ đưa cho chúng. Nhưng chúng sẽ nhớ cảm giác khi cha mẹ dành thời gian cho chúng. Một số bậc phụ huynh ưu tiên thời gian và tiền bạc để cho con phát triển các kĩ năng như là đàn, hát, múa, kĩ năng mềm. Dù đây không phải là khoản đầu tư dở, nhưng đừng để chúng cản trở việc bạn dành thời gian chất lượng với con cái. Mối quan hệ với con giúp gây dựng sự tự tin và tình yêu thương. Chính sự tự tin và tình yêu thương sẽ bền vững qua thời gian, lâu bền hơn bất kì kĩ năng hay kiến thức nào.
Nguồn tham khảo:
- https://www.cnbc.com/2020/05/25/biggest-parenting-mistake-destroys-kids-mental-strength-says-therapist.html
- https://bestlifeonline.com/worst-common-parenting-mistakes/