1. Sự đụng chạm (Touch).
Nhìn chung, sự đụng chạm là sự tương tác vật lý lên cơ thể để làm thả lỏng cơ bắp, giúp cân bằng và kích thích năng lượng bên trong cơ thể, đồng thời tạo ra cảm giác thoải mái và thư giãn. Một cái ôm cũng có thể làm tan biến căng thẳng, chẳng thua kém gì một buổi xoa bóp thư giãn cả. Vậy nên đừng cảm thấy bị gò bó, hãy cứ làm những gì bạn có thể.
Có rất nhiều nghiên cứu ủng hộ cho những lợi ích tích cực về mặt thể chất và tinh thần của việc sử dụng xúc giác trong quá trình trị liệu. Liệu pháp xoa bóp làm kích hoạt phản ứng thư giãn, làm giãn các cơ bị căng, giảm sự lo âu, cải thiện hoạt động của hệ thống miễn dịch, giúp tâm trí bình tĩnh trở lại và khôi phục cảm giác vui vẻ, khỏe mạnh.
Bạn không nhất thiết phải tìm đến một chuyên gia xoa bóp để giải tỏa căng thẳng, nhưng thông thường, việc xoa bóp được thực hiện bởi chuyên gia thì sẽ có hiệu quả hơn. Các chuyên gia xoa bóp được đào tạo về kỹ thuật và tiến trình cụ thể để làm giải tỏa sự căng cơ và thúc đẩy cảm giác vui vẻ, khỏe mạnh. Được người yêu, vợ/chồng, hoặc bạn bè xoa bóp (hoặc sử dụng ghế mát-xa hay một thiết bị nào đó) cũng có thể mang lại cảm giác dễ chịu và giúp bạn được giải tỏa tạm thời sau một ngày dài vất vả. Nhưng những “buổi xoa bóp” này ít được thực hiện một cách kỹ lưỡng hoặc chuyên sâu, và có thể không hiệu quả bằng các liệu pháp xoa bóp được thiết kế riêng với mục đích làm giảm căng thẳng.
2. Tập trung vào việc khác (Distraction).
Một trong những kỹ thuật tâm lý đơn giản nhất để giảm căng thẳng một cách nhanh chóng đó là tìm cách để phân tán sự chú ý của bản thân ra khỏi những điều đang khiến mình phiền lòng. Khi càng đối diện với căng thẳng, sự chú ý của chúng ta có xu hướng thu hẹp lại, khiến chúng ta chỉ có thể nghĩ về những gì làm mình lo lắng. Khi ta tập trung vào việc khác thì ta làm gián đoạn quá trình thu hẹp sự chú ý này. Nhờ đó chúng ta tạm ngưng suy nghĩ về những điều đang khiến mình phiền lòng và thay vào đó là nghĩ về những điều khác. Giống như câu “Out of sight, out of mind”, tạm dịch là không nhìn thấy thì cũng không nghĩ tới nữa. Mỗi người đối phó với căng thẳng theo một cách khác nhau. Cho nên cách để quản lý căng thẳng này có thể sẽ hiệu quả hơn đối với một số người. Hầu hết các mối đe dọa mà chúng ta lo lắng, về bản chất, không phải là nghiêm trọng hay cấp bách, cho nên việc xem phim, đi dạo hoặc làm món đồ thủ công nào đó để tạm ngừng lo lắng sẽ không gây ra hậu quả tiêu cực.
Có nhiều cách để chúng ta có thể phân tán sự chú ý của mình khỏi những suy nghĩ căng thẳng. Những cách phổ biến đó là làm việc nhà hay làm việc, dành thời gian cho các dự án hay sở thích nào đó, giao lưu và tìm kiếm các nguồn giải trí như phim ảnh, trò chơi (bao gồm cả trò chơi điện tử) và sách. Sẽ rất hữu ích nếu đó là các hoạt động thú vị, hấp dẫn và cuốn hút, vì mọi người sẽ dễ tập trung vào nó trong khoảng thời gian dài.
3. Sự hài hước (Humor).
Với nhiều người, sự hài hước là một cách hiệu quả, đơn giản và cũng ít tốn kém nhất để giảm căng thẳng. Hài hước là một phương pháp giảm căng thẳng hiệu quả vì nhiều lý do. Thứ nhất, sự hài hước là một cách làm ta phân tâm và làm gián đoạn dòng suy nghĩ dẫn đến căng thẳng. Sự hài hước hiệu quả thường mang đến tiếng cười – giúp giải tỏa căng thẳng về mặt thể chất. Yếu tố hài hước sẽ giúp một người chuyển sự tập trung ra khỏi bản thân mình, và thay vào đó là tập trung vào người khác. Sự chuyển hướng tập trung này giúp mở rộng góc nhìn đang bị giới hạn bởi sự lo âu, để nhìn thấy cả những khó khăn của người khác, từ đó có thể giảm bớt căng thẳng đối với chính những vấn đề của mình. Những câu chuyện hài thường giúp chúng ta nhận ra rằng dù cho hoàn cảnh của mình có tồi tệ đến đâu đi nữa, thì vẫn có người gặp phải hoàn cảnh tồi tệ hơn thế.
Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, đừng ngại ấn like và chia sẻ để người khác cũng thấy hữu ích nữa nhé!
Tác giả: Tiến Sĩ Hoa Võ
Người dịch: Thiên Trúc
Một bài viết hữu ích
Pingback: Làm Thế Nào Để Phòng Ngừa Căng Thẳng? - PsyWic-V