Theo như nghiên cứu kéo dài suốt 40 năm của vợ chồng tiến sĩ Gottman thì có 4 cạm bẫy trong giao tiếp mà có thể dẫn đến đổ vỡ trong hôn nhân. Mặc dù số liệu này là về hôn nhân, nhưng chúng tôi tin rằng những thông tin này vẫn sẽ hữu ích cho bất kì mối quan hệ nào. Hãy cùng tìm hiểu 4 cạm bẫy đó là gì nhé!
- Cạm bẫy thứ nhất: Công kích cá nhân
Góp ý khác với công kích. Góp ý là khi mình tập trung vào một sự việc hoặc tình huống, còn công kích là khi mình chỉ trích phẩm chất của người kia. Công kích sẽ mở cửa cho những cạm bẫy giao tiếp khác bước vào mối quan hệ của bạn.
Ví dụ: “Anh lại quên đổ rác nữa hả? Người gì đâu mà ch mảng vậy?”
Cách tránh bẫy: Sử dụng phương pháp “I Statement”. Thông thường khi công kích, ta sẽ bắt đầu câu nói bằng cách nói về người kia: “anh là cái đồ, em là cái đồ…”. Thay vì buông lời nói về đối phương thì hãy tập trung trình bày cảm nhận của mình. Nguyên tắc của phương pháp này là tập trung vào sự việc đã xảy ra và cảm xúc của bạn, rồi sau đó bày tỏ nhu cầu của bạn cho người kia. Nên nhớ, đằng sau mỗi lời công kích là một nhu cầu không được đáp ứng. Nên hãy dành thời gian để xác định bạn cần gì và cảm thấy như thế nào, sau đó trình bày một cách thẳng thắn và lịch sự cho người kia. Khi làm như vậy, bạn cho người kia cơ hội để sửa sai và đáp ứng nhu cầu của bạn. Nếu mà nhào vô công kích liền thì bạn vừa làm người kia tổn thương, và nhu cầu của bạn cũng không có cơ hội được đáp ứng.
Ví dụ: “Anh. Em thấy không vui khi anh quên bỏ rác tối hôm qua. Em cần anh để ý hơn trong việc giữ nhà cửa sạch sẽ. Em cảm thấy được yêu thương khi anh làm vậy” hoặc có thể đơn giản là “Anh. Em thấy rác vẫn chưa được dọn từ hôm qua. Anh có thể giúp em dọn rác được không?”
Trình bày ý kiến của mình một cách rõ ràng và tôn trọng sẽ giúp cả hai tránh gây tổn thương không cần thiết cho nhau. Mặc dù nó sẽ rất khó, nhưng mọi người cần nhớ là việc chia sẻ cảm xúc là điều vô cùng quan trọng. Khi mình mở lòng thì nó tạo cơ hội cho người kia cũng mở lòng để cả hai yêu nhau nhiều hơn.
- Cạm bẫy thứ 2: Khi dễ
Theo nghiên cứu thì đây là cạm bẫy gây nhiều tổn thương nhất và nó có khả năng dự đoán đổ vỡ trong hôn nhân cao nhất. Điều này có nghĩa là những cặp vợ chồng sử dụng kiểu giao tiếp này có nguy cơ chia tay rất cao, hoặc nếu không chia tay vì áp lực xã hội thì hôn nhân cũng không hạnh phúc. Ngoài ra nghiên cứu của tiến sĩ Gottman còn phát hiện ra là những cặp vợ chồng thường xuyên mắc bẫy khi dễ trong giao tiếp cũng bị ảnh hưởng về mặt sức khỏe thể chất. Họ có sức đề kháng kém và dễ mắc các bệnh truyền nhiễm hơn là những cặp không mắc bẫy. Khi ta giao tiếp kiểu này thì ta làm người kia cảm thấy vô giá trị và bị coi rẻ. Khi dễ có thể được thể hiện qua lời nói hoặc ngôn ngữ cơ thể. Ví dụ như một bình luận mỉa mai, một câu đùa ác, cười nhạo, một cái đảo mắt, bỉu môi, bắt chước người kia với mục đích chế nhạo. Nếu công kích là khi mình tấn công phẩm chất của người kia, thì khi dễ là khi mình hạ giá trị của họ xuống. Về cơ bản, mình đang thầm nói là: “tôi có giá trị hơn bạn và bạn có ít giá trị hơn tôi.”
Ví dụ: “Sao em chậm quá vậy? Người gì mà như con rùa!” hoặc là “Em chán anh quá! Có vậy cũng quên!”
Cánh tránh bẫy: vun trồng sự cảm kích và lòng biết ơn. Hãy tập quý trọng những phẩm chất tốt của người kia và thường xuyên nói cho họ biết bạn thích họ ở chỗ nào. Đây là điều bạn có thể áp dụng được liền: khen người kia một câu mỗi ngày. Có vẻ như đơn giản, nhưng vô cùng hữu hiệu bởi vì năng lượng tích cực sẽ tích tụ qua ngày. Khi dễ là hậu quả của những suy nghĩ tiêu cực để lâu ngày mà không được bày tỏ. Nên nếu có chuyện cần trình bày cho người kia thì nói chuyện cách lịch sự, thẳng thắn luôn là sự lựa chọn tốt. Hoặc các bạn có thể chia sẻ cho một người bạn đáng tin cậy để giúp bạn gỡ rối tơ lòng và nguôi giận trước khi trình bày cho người phối ngẫu.
- Cạm bẫy thứ 3: Phòng thủ
Kiểu giao tiếp này thường là phản ứng khi bị công kích hoặc nghĩ là mình bị công kích. Khi ở trong tình huống đó, phản ứng bình thường là tự ái và phải giữ thể diện bằng cách biện hộ hoặc giả vờ như là nạn nhân vô tội, hoặc đổ lỗi ngược lại cho người kia. Cách giao tiếp này thường làm cho tình huống tệ hơn bởi vì ta vô tình làm cho người kia cảm thấy không được lắng nghe và tôn trọng. Vì vậy họ thường sẽ tiếp tục tấn công.
Ví dụ: “Giỡn thôi mà làm dữ vậy? Nhạy cảm quá!” hoặc là “anh quên bỏ rác bởi vì anh bận, em có biết anh bận cỡ nào không? Em chẳng quan tâm gì hết!”
Cách tránh bẫy: nhận trách nhiệm dù nó chỉ là 2%. Hãy tìm hiểu và tôn trọng cảm xúc và góc nhìn của người kia, sau đó nhận lỗi cho bất kì hành động sai trật nào. Khi làm như vậy, ta thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của tấn công và phòng thủ. Tôi thường nói với cặp đôi tôi tâm vấn là cần hai người mới có thể chơi kéo co được. Khi mình không kéo nữa thì sự căng thẳng sẽ chấm dứt. Không những vậy, khi thoát ra khỏi vòng tuần hoàn tấn công-phòng thủ thì nó tạo cơ hội để hai người có thể trò chuyện cởi mở và cùng nhau tìm ra giải pháp.
Ví dụ “Em nói đúng, lỗi của anh. Đáng lẽ ra anh nên nói em trước và nhờ em đón 2 đứa nhỏ, bởi vì anh biết trước là ngày hôm nay anh sẽ bận rộn. Nhưng mà anh không làm vậy và để 2 đứa nhỏ chờ. Anh xin lỗi!”
- Cạm bẫy thứ 4: Trốn tránh.
Trốn tránh là khi ta rút khỏi cuộc hội thoại để tránh xung đột. Nhiều người nghĩ đây là cách tốt, họ nói rằng, “tôi không muốn nói gì điều không nên nói, nên tôi bỏ đi để nguôi giận.” Ý định là tốt, nhưng bỏ đi một cách đột ngột có thể sẽ làm cho người kia cảm thấy bị bỏ mặt. Thay vào đó hãy sử dụng phương pháp nghỉ giữa hiệp, tức là nói cho người kia biết bạn cần thời gian để bình tĩnh lại và chọn thời điểm để trở lại cuộc hội thoại, sau đó bạn có thể đi chỗ khác. Thời gian nghỉ giữa hiệp có thể kéo dài 30 phút, 1 ngày, 1 tuần tùy theo mỗi cặp đôi và tình huống. Nhưng vô cùng quan trọng là mọi người phải quay trở lại cuộc hội thoại, chứ không được bỏ qua.
Trốn tránh không nhất thiết phải là rút đi một cách vật lý (như là rời khỏi phòng), nhưng nó còn có thể là rút đi về mặt cảm xúc (ta vẫn ngồi ở đó, nhưng ta không còn nghe gì nữa, không còn hiểu gì nữa, không còn phản hồi gì nữa). Khi một người như vậy thì nó sẽ thể hiện qua ngôn ngữ cơ thể như là khoanh tay trước ngực, lẩn tránh giao tiếp bằng mắt, xoay mình khỏi phía người kia, v.v.
Nghiên cứu cho thấy đây thường là vấn đề của đàn ông hơn là của phụ nữ. Khi các ông trốn tránh thì thường làm cho các bà rất giận và khiến các bà tấn công và truy đuổi gay gắt hơn.
Cách tránh bẫy: Khi căng thẳng đạt đến một mức độ mà não bộ của họ không còn quản lý được nữa thì họ sẽ rút khỏi cuộc hội thoại. Mặc dù họ biểu hiện như vậy, nhưng khi một người trốn tránh tức là họ đang cảm thấy rất căng thẳng ở trong nội tâm. Vì vậy, rất là quan trọng để nhớ rằng người kia trốn tránh không bởi vì họ hết thương bạn, nhưng họ chỉ đang rất căng thẳng. Cho nên mỗi lần như vậy thì cần nên nghỉ giữa hiệp. Khi đang trong thời gian nghỉ giữa hiệp thì chớ nên nhai đi nhai lại chuyện cũ. Mục tiêu của nghỉ giữa hiệp là để làm bạn bình tĩnh lại, chứ không phải lên phương án đáp trả người kia. Hãy làm những gì giúp bạn thư giãn, ví dụ như đi bộ, đọc sách, tập hít thở sâu, tĩnh tâm, v.v. Khi bình tĩnh lại rồi thì ta có thể cùng nhau giải quyết xung đột tốt hơn.
Theo nghiên cứu của Gottman thì tỉ lệ tương tác tích cực và tiêu cực trong những hôn nhân hạnh phúc là 5:1. Tức là tương tác tích cực ít nhất phải nhiều gấp 5 lần tương tác tiêu cực. Tương tác tích cực bao gồm bày tỏ sự quan tâm, yêu thương, hài hước, sự cảm thông, và ngôn ngữ cơ thể tích cực (như là nhìn vào mắt nhau, hoặc là gật gù trong lúc trò chuyện). Không những chúng ta cần loại bỏ những cạm bẫy trong giao tiếp, nhưng ta còn phải thêm vào mối quan hệ của mình những điều tích cực, đặc biệt là trong lúc 2 người đang thảo luận những vấn đề khó khăn. Đây là quá trình cả đời để học cách giao tiếp hữu ích và tẩy khỏi não những thói quen giao tiếp làm tổn hại đến hôn nhân và các mối quan hệ gần gũi. Và đó là tất cả những gì chúng tôi muốn truyền tải đến cho quý vị, xin vui lòng like, subscribe và share để thông tin này có thể đến được với nhiều người hơn nữa. Xin chào và hẹn gặp lại!